Tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp 6, sáng ngày 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực

Đại biểu Lâm Văn Thành (đoàn Thái Nguyên) đề cập từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng có chủ trương tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. 

Nhận xét nhiều lĩnh vực chưa đạt mục tiêu này, ông Thành đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp để thực hiện thành công chủ trương lớn trên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phân cấp, phân quyền rất quan trọng để phân định rõ trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo cuả các cấp. Ông thừa nhận việc này chưa đạt yêu cầu. 

Nguyên nhân là do một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền. Cạnh đó, năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là trong việc lớn, việc mới thì phân cấp, phân quyền còn khó khăn. Cuối cùng, để đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan tới nhiều cấp, ngành.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lâm Văn Thành (đoàn Thái Nguyên). Ảnh: P.Thắng

Đề cập đến giải pháp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế. “Các cấp phải mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy”, Thủ tướng chia sẻ.

Ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu lại câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) hỏi Thủ tướng vào ngày 7/11: Nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thí điểm nhiều cơ chế đặc thù, có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ; có thể tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách, cơ chế xin - cho?

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ trình các cơ chế đặc thù cho địa phương và ngành, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu khách quan và đều có cơ sở chính trị.

Theo ông, các nghị quyết của Trung ương đều có tinh thần là “những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. Cái gì chưa rõ, chưa chín, có luật nhưng không còn phù hợp hoặc chưa có luật thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc thí điểm, và cơ sở thực tiễn Quốc hội đã có các nghị quyết thí điểm cho các địa phương đang có hiệu quả. 

“Chúng ta có cả cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý. Tuy nhiên, cũng cần có điều chỉnh cho phù hợp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn, lắng nghe ý kiến nhà khoa học, cơ quan có liên quan, đại biểu Quốc hội, người dân để điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất”, Thủ tướng nói.

Đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức 

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) đề nghị Thủ tướng cho biết các biện pháp để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

“Tiền lương là vấn đề luôn được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm”, Thủ tướng nói. Đây là nguồn tái tạo sức lao động, cũng là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động cống hiến, phát triển đất nước.

Nghị quyết 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương được ban hành nhưng chưa thể thực hiện vì nguồn lực còn khó khăn.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, nên hiện nay có khoảng 560.000 tỷ để chi cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết 2026.

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho rằng, phải đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức. Ảnh: N.Bắc 

“Song song với cải cách tiền lương khu vực của Nhà nước, chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp. Hai chính sách này sẽ tiệm cận với nhau”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Đề cập đến giải pháp, Thủ tướng cho hay sẽ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế gắn với hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động. 

Chính phủ đã giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước cho phù hợp.

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) về việc sẽ ưu tiên vấn đề gì khi thực hiện cải cách, Thủ tướng nói, cả 3 đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng cần đảm bảo hài hòa, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.

Thủ tướng nhìn nhận còn tình trạng thủ tục hành chính rườm rà; một bộ phận cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Vì vậy, giải pháp trong thời gian tới là phải đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức; tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính; rà soát thủ tục để cắt giảm.

Giải pháp căn cơ, theo Thủ tướng, vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, tăng chế tài xử lý. “Vấn đề, chúng ta đã nhận diện ra, cũng đã có chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị… bây giờ phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện cho tốt, trên tinh thần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ”, Thủ tướng nêu rõ.

Lý giải nguyên nhân 5 chỉ tiêu khó đạt

Dự kiến, năm 2023 có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH 

Lý giải nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng, do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. 

“Tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra”, theo lời người đứng đầu Chính phủ.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế, tính chung 10 tháng chỉ đạt 0,5%, dẫn đến chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn mục tiêu đề ra. 

Áp lực cắt giảm việc làm do sản xuất kinh doanh khó khăn tạo ra sự chuyển dịch lao động sang khu vực nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động có việc làm khoảng 26,9%, khó đạt mục tiêu đặt ra (26,2%).

Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu.

Đi cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi và công nghiệp hỗ trợ…

Hương Giang