Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương, để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

“Màu xám loang rất nhanh trong bức tranh doanh nghiệp”

Theo thống kê cập nhật mới nhất, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Nhìn số liệu doanh nghiệp gia nhập và rút khỏi thị trường, cho thấy đợt dịch bùng phát thứ tư đã gây ra tác động tiêu cực lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh.

Chỉ trong 7 tháng năm 2021, đã có 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn từ 20-50 tỷ đồng tăng 44,2%, quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng tăng 24,4%, quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tăng 29,9%.

Một điểm đáng quan tâm nữa, dịch COVID-19 đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

“Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Dũng nói thêm rằng, “các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm”.

Thực tế, thời gian qua, thấu hiểu những khó khăn chồng chất khó khăn “tứ phương, bốn hướng” của doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, gói hỗ trợ trong điều kiện cao nhất có thể của nền kinh tế.

Quốc hội đã khẩn trương ban hành nghị quyết rất kịp thời để ủng hộ Chính phủ triển khai các giải pháp cần thiết phòng, chống dịch.

Chính phủ đã rất chủ động ban hành các biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhằm vượt qua những khó khăn, như Nghị định 52, Nghị định 75, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính.  

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có kết quả như chính sách cho vay doanh nghiệp (hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí).

Không đặt ra điều kiện, yêu cầu gây ách tắc lưu thông hàng hóa

Dịch bệnh dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn đứng trước “khó khăn chồng chất khó khăn”.

Nhiều ý kiến hiệp hội ngành hàng đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở những ngành hàng, lĩnh vực có lượng lao động lớn; không đặt ra điều kiện, yêu cầu gây ách tắc hàng hóa trong lưu thông, phân phối.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ôtô Vận tải, khi một tỉnh, TP công bố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng hoặc các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn, cần phải đảm bảo lưu thông cho phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đó.

“Các tỉnh cần đảm bảo lưu thông cho xe chở hàng bằng giải pháp phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc”, ông Hùng nêu quan điểm.

Các doanh nghiệp cũng muốn Chính phủ giảm tối đa thuế, phí, thủ tục và cho phép doanh nghiệp hoạt động dựa trên kịch bản theo từng cấp độ an toàn dịch bệnh, thay vì phải áp dụng một mô hình chung cho tất cả.

Trao đổi lại với doanh nghiệp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết ông đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng không tham mưu cho lãnh đạo TP thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa.

“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu và cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ đã cấp mã QR cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm trái.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: N.Bắc 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong khả năng cho phép, Chính phủ đã thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông…

Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nơi nào an toàn tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp, từ hoạt động thực tiễn, tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ trên tinh thần bảo đảm sát thực, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách.

“Rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nêu ra các vướng mắc trong các văn bản, vướng mắc từ thực tiễn, bởi các quy định dù có làm kỹ đến đâu cũng không bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống rất phong phú”, Thủ tướng phát biểu sau đó.

Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay và nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội.

Thủ tướng cũng sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: N.Bắc 

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế -xã hội; phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể.

Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu có đủ điều kiện.

“Hạn chế tối đa các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch”, Thủ tướng lưu ý, các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con.

Ngoài ra, các địa phương phải phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong thời dịch.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hương Giang