Thông tin được nêu ra trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại hội nghị trực tuyến với một số địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì ngày 20/9.

Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao

Báo cáo cho thấy, trong bối cảnh COVID -19 diễn biến phức tạp, nhiều sáng kiến đã được triển khai tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động của doanh nghiệp.

Các mô hình sản xuất được áp dụng như  “ba tại chỗ” , “một cung đường hai điềm đến”, test nhanh cho người lao động để sản xuất đáp ứng thời hạn các đơn hàng, chủ động tìm nguồn cung nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí hoạt động…

Do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp trong các khu, cụm này đã ổn định sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới.

Tuy vậy, Bộ KH&ĐT cho hay, ngoài việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp bị ảnh hưởng thì các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra.

Dịch cũng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nên nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Trong khi đây đều là các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may…

Thực tế, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động.

Các doanh nghiệp tổ chức phương án “ba tại chỗ” nhưng không đủ không gian trong việc bố trí chỗ ở cho người lao động, phải tận dụng phòng họp, phòng làm việc, nhà kho, làm nơi lưu trú.

Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định cho người lao động rất khó áp dụng, chi phí thực hiện (hoán cải công năng của các khu vực khác nhau thành chỗ ở tạm) “rất cao”. Môi trường cách ly tại chỗ nhiều nơi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Đẩy nhanh tiêm đủ liều vaccine cho người lao động

Bộ KH&ĐT cho rằng, ngoài tác động của dịch COVID-19, việc hướng dẫn các chính sách phòng, chống COVID-19 tại các địa phương chưa thống nhất dẫn đến tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động.

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa được triển khai và kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ ngắn nên chưa đem lại tác động cho một số doanh nghiệp như: Chính sách giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí…

Loạt nhóm kiến nghị của doanh nghiệp đã được gửi đến các cơ quan. Theo Bộ KH&ĐT, doanh nghiệp đề nghị các tỉnh, thành không tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn khi lưu thông hàng hóa và người lao động khi quay trở lại làm việc.

Phân bổ và đẩy nhanh tiêm đủ liều vaccine cho toàn bộ người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp để có cơ sở duy trì trạng thái sản xuất bình thường mới.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn như miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập các nhân, thuế VAT; nguồn vốn.

Nhất là, cho phép được chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình “ba tại chỗ” do chi phí vận hành quá cao; tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp…

8 tháng đầu năm tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sác nhà nước khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng là 8%, 2,9% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện cả nước có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Cạnh đó, có 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập.

Việt Nam có 3 khu công nghệ cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với tổng diện tích khoảng 3.000 ha.

Về cụm công nghiệp, trong số 968 cụm đã được thành lập, có 730 cụm công nghiệp đang hoạt động (chiếm 74,5%), thu hút khoảng 13.500 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy bình quân 63%; tạo việc làm cho trên 580.500 lao động. 

Hương Giang