Đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã nêu ra nhiều giải pháp, sáng kiến gửi đến Thủ tướng với kỳ vọng góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế.

“Luồng xanh” cho hàng hóa, giảm chi phí

Theo các doanh nghiệp, hiệp hội, để thực hiện mục tiêu kép, quan trọng nhất là hàng hóa xuất, nhập khẩu không bị ách tắc. 

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đề nghị, các quy định về hàng hóa được vận chuyển lưu thông cần được áp dụng thống nhất trong cả nước, ưu tiên “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.

Cùng với đó, cần không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP HCM từ 1/10… để giảm khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch kéo dài.

Giống như VLA, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đề nghị, giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó, dừng thu phí cảng biển của TP Hải Phòng và TP HCM không thu phí cảng biển từ 1/10; ngân hàng không hạ mức tín nhiệm của doanh nghiệp mà cần giãn thời gian trả nợ đến hết năm 2021 - 2022, giảm lãi suất...

VITAS đề nghị, bỏ quy định cấp mã QR-Covde về “luồng xanh” trên phạm vi cả nước; cho phép lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định. 

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ôtô - Vận tải đề xuất, việc kiểm soát phương tiện trên đường cần có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương.

Theo đại diện Hiệp hội Ôtô Vận tải, cần áp dụng công nghệ để giảm thiểu tới mức thấp nhất số lượng phương tiện phải dừng, thời gian một lần dừng, cụ thể là “phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, khi kiểm tra xong nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa”.

Nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp mua dụng cụ, tự xét nghiệm

Đặc biệt, VLA đề nghị Chính phủ và các địa phương xem xét ưu tiên tiêm phòng vaccine cho lao động trực tiếp làm dịch vụ logistics tại cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, xếp dỡ hàng để đảm bảo hoạt động logistics được liên tục trong các chuỗi cung ứng hàng hóa. 

Câu chuyện vaccine cũng được VITAS đề cập và đề nghị, ưu tiên tiêm cho người lao động trong các nhà máy, khu công công nghiệp, đội ngũ lái xe vận tải, shipper, bên cạnh ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

“Doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp chi phí để đẩy nhanh việc khai thác nguồn cung và tiến độ tiêm chủng”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS nêu.

Ông Nguyễn Công Hùng đề nghị, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo cho lực lượng lái xe, phụ xe được ưu tiên tiêm vaccine để giảm bớt chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp vận tải.

Trước mắt khi chưa được tiêm vaccine thì đề nghị tổ chức các điểm xét nghiệm tại các trạm dừng nghỉ trên một số tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện lớn để thuận tiện cho lái xe thực hiện xét nghiệm.

Ở khía cạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong những giải pháp cấp thiết cần làm ngay lúc này là phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine, trong đó bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao (chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao như vận tải, giao nhận, hàng không, siêu thị…).

Cùng với đó, hướng dẫn, ban hành các chính sách ưu tiên phân bổ nguồn vaccine để các doanh nghiệp tính toán chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ, chủ động tự xét nghiệm.

Hương Giang