Chiều ngày 11/4, tiếp tục phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Trình bày báo cáo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đã dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn 4 chuyên đề.

Chuyên đề 1 là việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn).

Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 năm 2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5 việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn các chuyên đề 1, 2, 3 và 4.

Trong 4 chuyên đề được lựa chọn này, tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc trong tháng 5 tới) Quốc hội sẽ thảo luận, chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

 Giám phát “phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng”

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hoạt động giám sát thời gian qua cần có tính khái quát sâu sắc hơn, trong đó nhấn mạnh coi đổi mới giám sát là khâu trọng tâm.

Theo ông, các kết luận, kiến nghị từ giám sát đi vào thực chất hơn. Tuy nhiên, có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao.

“Giám sát không có tính phản biện thì làm làm gì. Phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng thì càng tạo điều kiện phát triển lâu dài”.

Nhấn mạnh tính thời sự của chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý thị trường bất động sản gắn với thị trường vốn, mà thị trường vốn thì đang rất vướng nên qua giám sát cần có sự hỗ trợ cho thị trường này.

Liên quan đến thị trường vốn, tại báo cáo đầy đủ, Tổng thư ký Quốc hội có giải trình đối với các chuyên đề được nhiều cơ quan đề xuất nhưng chưa được lựa chọn, trong đó có các đề xuất liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu và các tổ chức tín dụng.

Theo ông Bùi Văn Cường, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã tiến hành chất vấn các nhóm vấn đề nêu trên đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước và đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn.

Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trong đó có nghị quyết tại kỳ họp thứ 3.

Với các đề xuất liên quan đến các tổ chức tín dụng, hiện nay, Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

“Luật này sẽ được sửa đổi toàn diện với nhiều chính sách mới quan trọng”, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.

Hương Giang