Tình trạng “ách tắc” hàng hoá, “ngăn sông, cấm chợ” trong bổi cảnh đại dịch COVID -19 khiến nhiều địa phương “nóng ruột”, nhất là Hải Dương - tỉnh đang có số ca mắc COVID -19 lớn nhất hiện nay. Nhiều chuyến xe chở hàng của tỉnh này đã phải quay đầu trở về vì không được địa phương lận cận “mở cửa”.

Đề nghị không dựng hàng rào cấm lưu thông hàng hóa

Tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID -19 ngày 24/2, nhiều ý kiến đã bày tỏ quan điểm về việc này.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, địa phương này đang rất khó khăn trong lưu thông hàng hóa, cụ thể là ra cảng Hải Phòng.

Ông đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành chỉ đạo việc này vì tỉnh đã nhiều lần làm việc với Hải Phòng nhưng chưa được tháo gỡ như mong muốn.

Cho biết Bộ Công thương đã kết nối với các tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình, mà là do vấn đề vận tải.

“Dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn, vẫn có tình trạng các tỉnh hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau nên gây vướng mắc”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Theo ông An, dịch bệnh còn phức tạp, có thể một địa phương nào đó trong tương lai cũng như Hải Dương. Nếu hàng hoá cứ bị “ách tắc” thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh chống dịch quyết liệt nhưng không nên cực đoan mà có biện pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

“Tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ”, ông An nêu.

Chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương không dựng hàng rào cấm lưu thông hàng hóa.

“Đề nghị cho làm hành lang vận tải từ Hải Dương về thẳng Hải Phòng, lái xe không ra khỏi ôtô trong quá trình vận chuyện”, ông Tuấn đề nghị, có quy định đảm bảo hàng hóa lưu thông. Đồng thời đề nghị, Hải Phòng nghiên cứu gỡ bỏ các biển kiểm soát, ranh giới giữa hai địa phương để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

Không được được “tạo ra tâm lý kỳ thị”

Đề cập đến việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, không chỉ ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu mà ngay trong nước, giữa địa phương này với địa phương kia cũng “có vấn đề”, như câu chuyện ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương khi “Hải Dương phản ứng còn Hải Phòng kiên quyết”.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành sớm có quy trình thống nhất về vận chuyển hàng hóa để trình Thủ tướng.

“Quy trình kiểm dịch làm sao cho thông thoáng nhưng không ngăn sông cấm chợ, gây khó khăn cho các địa phương, tạo ra tâm lý kỳ thị lẫn nhau. Làm quá căng thì người dân tỉnh này nhìn người dân tỉnh kia bằng con mắt nghi ngại, như vậy không hay”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ hàng hóa trong vùng dịch để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa không để ách tắc.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, nhất là những nơi có dịch có biện pháp cụ thể vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cũng lưu ý, các khu vực có cảng như Hải Phòng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường, không ngăn sông cấm chợ.

“Yêu cầu ngay lúc này cho cơ chế thực hiện cho lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là vùng kinh tế trọng điểm như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Chủ động sản xuất an toàn, không được chủ quan, đảm bảo sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế mạnh mẽ, không có tình trạng đóng cửa khoanh vùng nếu ta kiểm soát dịch tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hương Giang