Sáng ngày 7/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp tục trả lời chất vấn, sau phiên đăng đàn chiều ngày 6/6. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang “chia lửa” làm rõ thêm việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm.

Tranh luận giải ngân chậm, vốn rót nhiều vào hội thảo, tư vấn

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, chiều ngày 6/6, nói chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số giải ngân rất thấp (chỉ hơn 4.600 tỷ đồng, đạt 51%) thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn.

Dẫn chứng hội thảo bình đẳng giới hết 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân tốn 102 tỷ đồng; trong khi xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ đạt 38 tỷ đồng, bà Mai hỏi, “bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?”.

Dù bộ trưởng đã trả lời, nhưng bà Mai chưa hài lòng, giơ biển tranh luận. Bà nhắc lại yêu cầu của Quốc hội là tăng chi đầu tư, hạn chế chi thường xuyên, trong đó hạn chế tối đa việc hội thảo, tư vấn, vì nguồn lực có hạn.

Trả lời phần tranh luận sáng ngày 7/6, ông Hầu A Lềnh cho biết, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đã thiết kế 10 dự án, phân cấp nguồn lực và thẩm quyền điều hành cho địa phương. Trung ương chỉ tập trung một số nhiệm vụ như ban hành văn bản hướng dẫn; kiểm tra, giám sát; xử lý khó khăn, vướng mắc.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: Đ.X

Về nguồn lực, Quốc hội đã bố trí 104.000 tỷ đồng, trong đó, 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và 54.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Vốn sự nghiệp chủ yếu dùng để giải quyết chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân hưởng các chính sách từ giai đoạn 2016-2020 còn hiệu lực. “Đây là đặc thù của chương trình này chứ không phải bất hợp lý”, ông nói.

Tiếp tục tranh luận, bà Mai nói: Bộ trưởng trả lời việc bố trí vốn giao hết cho địa phương, xét dưới góc độ trách nhiệm thì không đúng.

Theo bà, nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ bố trí vốn và Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì tổng hợp, theo dõi, giám sát.

“Trước nghị trường, bộ trưởng nói là giao hết cho địa phương, là trách nhiệm của địa phương, tôi nghĩ như thế là chưa ổn”, đại biểu Mai tranh luận.

Về cơ cấu vốn, bà Mai dẫn nghị quyết của Quốc hội nêu rất rõ, vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 54.000 tỷ đồng; Chính phủ có nhiệm vụ đôn đốc để tăng chi đầu tư.

“Đọc báo cáo số 100 của Chính phủ, tôi thấy việc phân bổ cho rất nhiều hội thảo, tư vấn là chưa hợp lý, trong lúc nguồn lực có hạn, người dân có rất nhiều nhu cầu cấp thiết”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: P.Thắng 

Triển khai dự án ở nhiều nơi manh mún, dàn trải

“Chia lửa” với Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nói, “với trách nhiệm người được phân công chỉ huy tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước bà con đang sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vì các chương trình rất chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra”.

Dẫn ra số liệu, ông Quang cho biết, đến 31/5, phần vốn của năm 2022 đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển; vốn năm 2023 chỉ đạt 17,01%. Theo ông, một trong những khó khăn khi thực hiện chương trình là có rất nhiều văn bản. Riêng chương trình này tích hợp 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành, dẫn tới chồng chéo, xung đột.

Quá trình thực hiện, Chính phủ ghi nhận 339 thắc mắc ở cơ sở vì “không biết làm thế nào cho đúng”. Các bộ, ngành đã có văn bản trả lời, giải quyết 261 thắc mắc (chiếm 70%). Các nội dung còn lại đang được tháo gỡ bằng sửa đổi các nghị định, thông tư.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 7/6. Ảnh: Đ.X

“Nói thật lòng, tôi có hứa với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội trong quý I xong việc này, nhưng phải mất thêm 2,5 tháng thì nay mới có thể báo cáo thời hạn trên”, ông Quang chia sẻ.

Phó Thủ tướng cho hay, khi đi địa phương, ông thấy, nguồn vốn Trung ương chỉ giải ngân 44,6%, nhưng vốn đối ứng của địa phương lên tới 98,9%. Tức là thẩm quyền địa phương giải quyết nhanh, nhưng quy định của chúng ta “rất lằng nhằng”, cần phải tháo gỡ ngay.

Thủ tục “lằng nhằng”, trình độ cán bộ trực tiếp triển khai chương trình ở địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế, nguy cơ dễ dẫn tới sai sót là điều Phó Thủ tướng lo ngại.

Qua khảo sát thực tế, ông Quang đánh giá các dự án triển khai ở nhiều nơi còn manh mún, dàn trải. Nguồn lực không nhiều, nhưng cán bộ địa phương thấy chỗ nào cũng khó, nên có tâm lý “hoa thơm mỗi người hưởng một tý” để mọi việc ổn định, cùng vui vẻ.

Đơn cử như có địa phương, nguồn vốn từ chương trình là 200 tỷ đồng, nhưng có tới 400 dự án. Khối lượng hồ sơ rất nhiều. “Nói rất thật lòng, với trình độ anh em như vậy nên khả năng rủi ro rất lớn, có khi chúng ta sẽ mất cán bộ, vì sự dàn trải này”, Phó Thủ tướng nói trước Quốc hội.

Thông tin thêm về việc sửa Nghị định 27, Phó Thủ tướng cho hay, sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc như tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn; bổ sung nguồn vốn đối ứng 10% trường hợp dự án kéo dài; quy định về thủ tục hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho hộ gia đình để có đất ở, nhà ở; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương…

Hương Giang