Bước đi, phương châm không có gì thay đổi

Tại cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định các bước đi, phương châm của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID - 19 từ trước tới này không có gì thay đổi. Theo đó, chúng ta thực hiện 5 bước: Phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch - điều trị. 

“Bây giờ có rất nhiều người góp ý, chê, nhưng thực tiễn Việt Nam đang làm tốt các giải pháp, sao mình cứ phải băn khoăn”, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID -19 nhấn mạnh và nêu rõ một thực tiễn là Việt Nam không những chống dịch tốt mà kinh tế tăng trưởng, chi phí chống dịch ở mức thấp. 

“Vị thế của đất nước tăng lên cũng có một phần do thành công trong phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ông nhận được nhiều câu hỏi về việc đã cần phải có những biện pháp chống dịch mạnh hơn như giãn cách xã hội hay chưa. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, để thực hiện “mục tiêu kép”, chúng ta phải cân nhắc giữa áp dụng cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế, xã hội.

Quan điểm xuyên suốt của Ban Chỉ đạo quốc gia là “khoanh vùng nhanh nhất có thể nhưng cũng phải gọn nhất”. Trường hợp chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn nhưng phải khẩn cấp làm ngay các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ để xác định đúng phạm vi cần khoanh vùng.

“Tất cả những vấn đề trên là một sự kế thừa, chưa có gì thay đổi, nhưng từng thời kỳ, từng lúc phải có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và năng lực của chúng ta. Từng thời điểm nên tập trung khâu gì và làm với tinh thần nào chứ đây không phải thay đổi những vấn đề có tình nguyên tắc, chiến lược”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, qua mỗi đợt dịch bùng phát, chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm khắc những bài học, kinh nghiệm, đặc biệt những gì làm chưa tốt để chấn chỉnh. 

Ví dụ, đúc rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước và những ngày gần đây cho thấy các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch đều có đủ nhưng thực hiện không nghiêm, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã rất nhấn mạnh vấn đề kỷ cương.

Giãn cách xã hội toàn tỉnh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Trước đây, Chính phủ đã chính thức phê duyệt trong kịch bản chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với 10.000 ca bệnh. Mới đây, do tình hình phức tạp, có biến chủng mới, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó khi có 30.000 ca bệnh. 

Phó Thủ tướng thông tin, căn cứ vào kịch bản này, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn xuống các tỉnh, thành để chuẩn bị lực lượng cho tình huống mới. 

Cạnh đó, dựa trên các biện pháp chuyên môn các tỉnh có biện pháp phù hợp, chống dịch an toàn, thực hiện “mục tiêu kép”.

“Gần đây, Ban Chỉ đạo yêu cầu khi một tỉnh thực hiện cách ly, giãn cách xã hội ở địa bàn lân cận thì trao đổi với các tỉnh bạn để thống nhất. Trường hợp cách ly, giãn cách toàn tỉnh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kép”, Phó Thủ tướng nói. 

Đến cuối năm, chưa đủ vaccine để có miễn dịch cộng đồng

Liên quan đến vấn đề vaccine, theo Phó Thủ tướng, chủ trương ngay từ đầu của Việt Nam là phải có vaccine thì chống dịch mới căn cơ, lâu dài. Cho nên, ngay từ đầu đã tìm mọi cách, từ nhập khẩu đến sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất, tiêm được cho người dân nhiều nhất. 

Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và giao thẩm quyền, trách nhiệm cho Bộ Y tế. Do vaccine trên thế giới đều trong tình trạng khan hiếm nên đến giờ phút này, chúng ta mới chỉ nhập được một lượng rất nhỏ. 

Bộ Y tế hiện đang rất tích cực đàm phán để có vaccine sớm nhất, nhưng dự kiến cũng phải đến cuối năm chúng ta mới có một lượng vaccine nhất định.

“Nếu tiêm hết lượng vaccine đó thì đến cuối năm cũng chưa thể đủ miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, ít nhất từ giờ đến cuối năm, vẫn phải tiếp tục thực hiện những biện pháp giống như khi chúng ta chưa có vaccine”, ông Đam nói tiếp.

Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia là dựa trên những vấn đề mang tính nguyên tắc, định hướng có tính chiến lược của Trung ương, giao trách nhiệm cho các địa phương trên tinh thần “4 tại chỗ”, phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của UBND, chủ tịch UBND các tỉnh, thành và trưởng ban chỉ đạo các tỉnh, thành. 

Theo đó, căn cứ vào các hướng dẫn chuyên môn, các địa phương có biện pháp chống dịch cần thiết. Đặc biệt lưu ý phải chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị cho địa phương mình theo kịch bản chung của toàn quốc. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kêu gọi người dân nhận thức được ý thức, trách nhiệm, trước hết với chính mình, người thân, rồi đến cộng đồng, đất nước, thực hiện đầy đủ nghiêm túc tất cả các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời nêu rõ, Việt Nam như “cánh đồng trũng”, bên ngoài “sóng to, gió lớn” nên phải “bao đê cho chặt”, kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh. 

“Xuất nhập cảnh trái phép là nguy cơ dịch bệnh rất lớn, là vi phạm pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hành pháp tiến hành xử lý nghiêm khắc, đặc biệt các tổ chức đưa người qua lại biên giới trái phép. Chính phủ cũng kêu gọi mọi người dân cùng tham gia ngăn chặn, phát hiện người nhập cảnh trái phép. Nhiều trường hợp người dân động viên, phát hiện và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng”, Phó Thủ tướng cho hay.

Hương Giang