Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng ngày 29/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các giải pháp kiểm soát người nhập cảnh, xử lý người nhập cảnh trái phép Thủ tướng đã có ý kiến rất kỹ.

Việt Nam vẫn chưa thể có vaccine tiêm đại trà vào đầu năm 2021

"Ngoài tăng cường biên phòng thì phải có hệ thống để người dân cung cấp thông tin kịp thời khi có dấu hiệu nhập cư, di chuyển không đúng quy định.

Tôi đề nghị tất cả các cấp uỷ Đảng, chính quyền vận động người dân, đề nghị báo chí vào cuộc tuyên truyền để tất cả người dân có người thân đang ở nước ngoài cần chủ động thông tin, tuyệt đối không nhập cảnh trái phép.

Không thể vì ngại cách ly của mình mà gây hoạ cho toàn cộng đồng, cả đất nước. Đây là điều rất quan trọng, không thể để nhập cảnh trái phép rồi mới xử lý", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, dù ông đã quán triệt với các tỉnh ở họp trực tuyến nhưng sau ca nhiễm COVID -19 tại TP Hồ Chí Minh vào tháng trước (ca nam tiếp viên hàng không nhiễm COVID -19 - PV) vẫn có một số nơi chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi, quản lý sau cách ly tập trung.

Theo lãnh đạo Chính phủ, khi bàn giao về địa phương còn theo dõi y tế 14 ngày nữa nên chính quyền cơ sở, nòng cốt là y tế, công an phải nắm từng đối tượng và làm sao một ngày ít nhất 1 lần qua điện thoại hoặc tin nhắn để xác minh.

“Ca bệnh ở TP Hồ Chí Minh tháng trước cho thấy, đó đây vẫn có cơ sở làm chưa tốt, do đó, cần nghiêm túc tuyệt đối", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về giải pháp căn bản hơn theo Phó Thủ tướng, các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám tư nhân, y tế cơ sở, trường học, cơ sở lưu trú phải tự xác định xem mình đã làm tốt công tác phòng chống dịch hay chưa, đồng thời, cập nhật lên hệ thống an toàn COVID -19.

"Tôi nhắc lại, chúng ta dù có vaccine nhưng ít nhất từ giờ đến hè Việt Nam vẫn chưa thể có vaccine tiêm đại trà được nên phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp, đặc biệt, tháng cao độ này phải giữ làm sao Tết an toàn, để nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi", Phó Thủ tướng nói.

Mỗi ngày có hàng trăm người nhập cảnh trái phép

Đề cập đến ca bệnh 1440 nhập cảnh trái phép từ Myanmar về, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin, đúng như dự kiến của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch đã họp và công an vào cuộc, truy ra, không chỉ có 1 mình mà bệnh nhân này nhập cảnh trái phép cùng 6 người khác.

"Chúng ta đã nhanh chóng vào truy tìm và xác định đủ 6 người. Đến giờ phút này, 3 người âm tính, 2 người dương tính và 1 người, trưa nay sẽ có kết quả. Do đó, tất cả hệ thống phải sẵn sàng, vào cuộc đồng bộ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

leftcenterrightdel
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Quang Hiếu

Cũng tại hội nghị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lưu ý, dịch COVID -19 hiện diễn biến còn phức tạp, rất cần tập trung quản lý, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

“Trước mắt là tổ chức Đại hội Đảng và Tết Nguyên đán, nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài về nước rất lớn. Chúng tôi đang xử lý cái này rất vất vả. Nếu không tỉnh táo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch, bảo đảm an ninh, an toàn phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đại tướng Tô Lâm dẫn con số thống kê hiện đã đưa 70.000 người nước ngoài về nước và cho hay, vẫn còn hàng trăm nghìn người ở nước ngoài muốn về và tăng lên rất lớn trong dịp cuối năm.

“Đời sống của bà con trong vùng dịch bệnh ở nước ngoài rất khó khăn. Tâm tư nguyện vọng của họ trong dịp Tết về quê nhiều. Số lao động xung quanh Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc rất lớn, hàng trăm ngàn người. Hiện có 2 điểm sát chúng ta là Trung Quốc và Campuchia số lượng đi về Việt Nam bằng đường bộ cũng rất lớn”, Bộ trưởng Công an nêu thực tế.

Đại tướng Tô Lâm thông tin thêm, theo số liệu thực trạng xuất nhập cảnh hiện nay quản lý, số lượng xuất nhập cảnh bất hợp pháp ở Việt Nam trung bình mỗi ngày có hàng trăm người và đây là áp lực rất lớn với lực lượng công an. Theo ông, phải ngăn chặn, phát hiện, nếu để số này vào sẽ rất khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Đăng ký giảm ít nhất 5% số vụ phạm pháp hình sự

Ngoài vấn đề COVID -19, Đại tướng, Bộ trưởng Công an cũng nêu nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp với ngành Công an để làm sao tiếp tục giảm phạm pháp hình sự trong năm 2021.

Theo Tư lệnh ngành Công an, năm 2019 - 2020, tỷ lệ phạm pháp hình sự đã giảm rất tốt. Với năm 2020, tình hình phạm pháp hình sự đã giảm 6,8% so với 2019.

“Trên thực tế, nhiều địa phương, nhiều huyện, nhiều tỉnh...  cả ngày không có phạm pháp hình sự. Tỉnh nào, địa phương nào làm được như vậy là rất mừng và điều đó thể hiện, cuộc sống của người dân được an lành, hoà bình, trật tự ấm no, hạnh phúc", Bộ trưởng Tô Lâm nêu.

Ông cũng dẫn chứng thêm, tại Cao Bằng, năm 2019 có khoảng 360 vụ phạm pháp hình sự nhưng năm 2020 còn khoảng 300 vụ, giảm 60 vụ. Tức là, trung bình 2 tháng, tỉnh này không có phạm pháp hình sự.

Với TP Hồ Chí Minh, năm 2020, có khoảng 4.500 vụ phạm pháp hình sự, chiếm 10% số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc.

Tính trung bình, mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có 15 vụ phạm pháp hình sự. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh có 24 quận, huyện nhưng có 9 quận, huyện trong ngày không có phạm pháp hình sự.

"Đó là con số rất có ý nghĩa trong việc giảm phạm pháp hình sự. Năm 2021, chúng tôi đăng ký, giảm ít nhất 5% số vụ phạm pháp hình sự. Công an sẽ quản lý các đối tượng, vũ khí, vật liệu nổ và đưa công an xuống xã thêm để gần dân hơn để giải quyết ngay tại cơ sở. Tất cả các xã tốt thì các huyện sẽ tốt”, Bộ trưởng nói và đề nghị các ngành, cấp cùng vào cuộc. 

Hương Giang