Sáng 16/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chỉ lùi trình Dự án Luật Đất đai sửa đổi 1 kỳ

Theo Chương trình năm 2022, Dự án Luật Đất đai sẽ được trình tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), song, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, Chính phủ đề nghị lùi đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi Dự án Luật Đất đai.

“Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội”, ông Long nhấn mạnh.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban này thấy, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể.

Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Kinh tế cho rằng, đây là Dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.

Theo ông Tùng, lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Đ.X

“Các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định”, ông Tùng nêu.

Đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị 3 dự luật 

Cùng với đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật Đất đai, Chính phủ đề nghị, điều chỉnh Chương trình với 17 dự án luật.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 3 bổ sung 3 dự án trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, trong đó có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và 2 dự thảo nghị quyết.

Đồng thời bổ sung vào chương trình cho ý kiến 3 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại kỳ họp thứ 4, bổ sung Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp; bổ sung vào chương trình thông qua 3 dự án và cho ý kiến đối với 8 dự án.

“Với việc điều chỉnh như trên, số lượng các dự án thuộc chương trình năm 2022 sẽ là 27 dự án, tăng 14 dự án so với chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng Tư pháp nói.

Liên quan đến đề nghị bổ sung 3 dự án (Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thông qua tại kỳ họp thứ 4, theo ông Hoàng Thanh Tùng, đây là 3 dự án đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), tuy nhiên, chưa được xem xét, thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở hồ sơ Chính phủ trình, ngày 8/4/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10; chỉ đạo các cơ quan có liên quan báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Về đề nghị bổ sung Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành.

Hương Giang