Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nếu giá có biến động mạnh, Bộ Tài chính phải tập hợp ý kiến để trình, tham mưu cho Chính phủ.

Để cập nhật chi phí tính giá cơ sở giá xăng dầu, cần phải có ý kiến từ Bộ Công Thương và đề xuất của các doanh nghiệp liên quan.

Bộ Tài chính đã có 3 văn bản và hôm qua (2/11) tiếp tục gửi văn bản tới các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, đến nay, ông Phớc cho biết, mới nhận được ý kiến từ 7 doanh nghiệp, còn Bộ Công Thương thì chưa có ý kiến nên “không thể làm được”.

“Điều chỉnh là phải đồng bộ theo đúng quy định, trên cơ sở báo cáo chi phí phát sinh của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, Bộ Công Thương gửi văn bản cho ý kiến, mới có căn cứ tính giá và đưa ra mức chi phí trung bình”, theo giải thích của Bộ trưởng Tài chính.

Ông Phớc cũng cho hay, các chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu (bao gồm chi phí premium nhập khẩu, premium nguồn trong nước, chi phí kinh doanh khác…) đã được Bộ Tài chính nhiều lần điều chỉnh, với tổng các chi phí này là gần 2.000 đồng/lít.

Do đó, theo kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp thì nếu chi phí này tiếp tục tăng, sẽ tác động và làm tăng giá bán lẻ xăng dầu, cuối cùng người dân phải gánh chịu chi phí này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngay cả khi điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu thì vấn đề đặt ra là phải “điều tiết” được chi phí giữa các doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ.

“Dù có tăng chi phí đó lên 5.000 đồng/lít hay 10.000 đồng/lít mà không điều phối được, doanh nghiệp đầu mối vẫn không tăng chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ ở bên ngoài hệ thống, thì vẫn xảy ra tình trạng như hiện nay”, Bộ trưởng Phớc nói.

Xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn khi một số cửa hàng đóng cửa, bán nhỏ giọt, còn doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ than lỗ do chiết khấu (phần chi phí để lại của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho đơn vị bán lẻ) xuống thấp.

Hôm qua (2/11), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống trong mọi tình huống.

Giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu đang được tính dựa trên giá cơ sở - mức giá được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.

Chi phí kinh doanh gồm premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu); premium nguồn trong nước (khoản doanh nghiệp đầu mối trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước) và các chi phí khác.

Ngày 2/11, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối xăng dầu đề nghị phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị đã đưa ra tại công văn trước đó. Cụ thể, bộ này cho hay đã có Công văn số 10859 ngày 21/10 gửi Bộ Công Thương đề nghị phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể, đánh giá làm rõ mức biến động tăng bất thường của các khoản chi phí.

Để đảm bảo tính kịp thời, bộ này đề nghị Bộ Công Thương phối hợp có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 5/11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.

Hương Giang