Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, các Ủy viên Trung ương đã thảo luận thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn lực để thực hiện đề án.

Bình quân, cào bằng

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải nhận định, 20 năm qua, mong muốn cải cách tiền lương không thực hiện được có nguyên nhân chủ yếu là, không thực hiện triệt để đưa các loại chi phí vào lương. Chính vì thế, lương không xác đáng, bình quân, cào bằng.

Tiếp đó, nguồn lực có hạn, lương được điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường. Đặc biệt, quy định mặt bằng lương theo hệ số nên làm mất ý nghĩa tiền lương. Quá trình thực hiện tiền lương lại có bất cập do phát sinh phụ cấp và thu nhập ngoài lương.

“Ban hành và quyết định phụ cấp thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến phụ cấp đặc thù, làm méo mó quan hệ tiền lương, mất đi vai trò ý nghĩa của tiền lương, nhất là tiền lương không còn là vai trò chính và là động lực của cán bộ công chức”, ông Hải nói.

Theo các Ủy viên Trung ương, bất cập trong chính sách tiền lương, đặc biệt là lương khu vực công thấp nên không khuyến khích được người lao động, không thu hút được nhân tài vào làm việc tại khu vực này.

Vậy lấy nguồn lực từ đâu để cải cách tiền lương? Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa.

“Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt cho chúng ta gánh nặng phải chi ngân sách cải cách tiền lương. Dùng cơ chế nhất định sẽ hiệu quả. Chúng tôi thấy đây là điểm nếu tập trung làm mạnh có nguồn quan trọng để chúng ta cải cách tiền lương”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị cải cách kinh tế, cải cách thu chi ngân sách tạo nguồn cho cải cách tiền lương phải làm ngay chứ không phải chờ đến năm 2021.

Cũng theo ông Quang, quyết tâm chính trị không chỉ đặt vào thực hiện cải cách lương, mà cần phải đặt quyết tâm chính trị cao hơn trong việc thực hiện các nghị quyết Trung ương 6 liên quan đến tinh giản bộ máy, xác định vị trí việc làm.

“Thực hiện các chủ trương chính sách khác sẽ có tính chất quyết định đối với thành công của đề án cải cách tiền lương. Thứ hai, làm gì thì làm, đề án cải cách phải tuân thủ quy luật thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khu vực công cải cách gắn với hiệu quả làm việc và trong khu vực doanh nghiệp gắn với điều chỉnh cải thiện hợp lý năng suất lao động”, ông Quang nêu.

Băn khoăn tách bảng lương chức vụ, chuyên môn

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước việc phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ có dẫn đến cuộc chạy đua vào chức vụ.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải, việc tách riêng bảng lương chức vụ nhằm thực hiện nguyên tắc thứ bậc là thỏa đáng với người có trách nhiệm, chức vụ. Tuy nhiên, cần có giải pháp để không làm phát sinh cuộc chạy đua.

“Phải gắn phân định bảng lương vào việc xem xét đề bạt cán bộ với việc thực hiện đề án khác như “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ" làm thế nào để chặt chẽ, có chất lượng, đúng người, đúng việc”, ông Hải nêu.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tiếp: “Cần thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức để cán bộ, công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp. Quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng để cán bộ, công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời không phải chạy đua theo chức vụ”,

Các đại biểu đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét kỹ các nội dung của đề án, đảm bảo Nghị quyết sau khi ban hành đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao.

7 giải pháp tài chính, ngân sách tạo nguồn cải cách tiền lương

Trước đó, trong bài viết cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công cho hay, để có nguồn lực cải cách tiền lương, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách. Cụ thể gồm:

1) Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, về phát triển kinh tế tư nhân, về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; về quản lý nợ công;

2) Cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm tỷ lệ huy động vào NSNN ở mức phù hợp;

3) Hàng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương;

4) Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm;

5) Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho các năm sau, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép;

6) Cơ cấu lại chi NSNN gắn với cải cách tiền lương, cơ cấu lại chi một số lĩnh vực sự nghiệp công gắn với việc điều chỉnh giá, phí đối với các dịch vụ sự nghiệp công. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; khoán các chế độ ngoài lương (xe ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh...);

7) Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Hương Giang