Sáng nay (30/10), theo chương trình kỳ họp 6, QH khóa 14 bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Thời gian kéo dài trọn 3 ngày, đến hết ngày 1/11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Cơ hội để xem lại

Trao đổi với báo chí, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao việc chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, đồng thời có việc rà soát lại các nghị quyết chất vấn.

Theo bà Hải, đây không phải lần đầu tiên làm điều này mà từ nhiệm kỳ QH khóa 13 đã thực hiện. “Muốn nói rằng, có thể đại biểu (ĐB) QH hoạt động có nhiệm kỳ, nhưng chất vấn thì không có nhiệm kỳ. Tất cả những vấn đề cử tri quan tâm, cử tri mong muốn gửi gắm đến các ĐBQH thì các ĐB luôn luôn gửi gắm lại cho nhau kể cả khi đã hết nhiệm kỳ và qua các giai đoạn”, Trưởng Ban Dân nguyện nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (ĐBQH đoàn Thanh Hóa) nhận định, hoạt động chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về giám sát và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4 sẽ mang lại hiệu quả cao.

“Điều này giúp các ĐBQH đi đến tận cùng vấn đề mà mình đã từng chất vấn. Đồng thời, cũng là dịp để chính các Bộ trưởng, trường ngành nhìn nhận, đánh giá lại xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có biện pháp khắc phục”, ông Lợi nói.

Theo ĐB đoàn Thanh Hóa, chất vấn không phải là “soi xét nhau” mà để tìm được tiếng nói đồng thuận, giải quyết vấn đề còn khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đáp ứng mong mỏi của cử tri, người dân.

Cũng nhấn mạnh “chất vấn việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của các tư lệnh ngành góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của QH”, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho hay, bà quan tâm “gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao”.

Đây là vấn đề nữ ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại kỳ họp thứ 3. Theo ĐB Hạnh, Chính phủ đã có ban hành những quy định để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Song, ở địa phương, doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp vướng trong tiếp cận nguồn vốn này.

“Mong rằng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ một cách quyết liệt để thuận lợi cho địa phương khi triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao”, ĐB đoàn Bình Phước nhấn mạnh.

Là ĐB đoàn Bình Định, ông Lê Công Nhường đặc biệt quan tâm đến cuộc sống ngư dân. “Cơn lốc du lịch đã “xóa sổ” rất nhiều làng chài. Ngư dân phải di dời sâu vào trong đất liền cách biển khoảng 5 - 7km. Dẫn đến tình trạng biển một nơi, người một nơi và không ít ngư dân đã bỏ biển”, ông Nhường cho hay.

Theo ĐB, có làm du lịch thì vẫn phải dành “phần đất cho ngư dân ngay tại biển, tạo điều kiện cho họ bám biển, ổn định cuộc sống”. Và để giải quyết vấn đề này, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành như: Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); NN&PTNT; Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).

Bên cạnh đó, ông Nhường cũng bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). “Ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tích, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Tuy vậy, lĩnh vực này cũng đã xảy ra nhiều tồn tại, đó là, cải cách sách giáo khoa; gian lận thi cử”, ĐB đoàn Bình Định nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Chung mối quan tâm, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho hay, ông từng chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tự chủ đại học. “Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chủ động tạo điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ. Đến nay, đã có 27 trường đại học thực hiện tự chủ, đây là thành công rất lớn của Bộ”, ông Cường đánh giá, điều này mang lại hiệu quả thiết thực, và giảm gánh nặng ngân sách.

Còn vấn đề gian lận thi cử gây bức xúc dư luận, trong phiên thảo luận kinh tế xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có giải trình. Theo ông Cường, giải trình này là có cơ sở. “Ở đây có trách nhiệm của địa phương, chứ không hoàn toàn là lỗi của Bộ. Nhưng, đây là sự cố xảy ra thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ GD&ĐT thì Bộ phải chịu trách nhiệm chính”, ĐB đoàn TP Hà Nội nêu.

Các ĐBQH mong rằng, sau phiên chất vấn, những tồn tại của các ngành sẽ được các Tư lệnh ngành lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị. Trên cơ sở đó, có những giải pháp hữu hiệu để quản lý bộ, ngành mình hiệu quả hơn.

Tháo ngòi nhiều điểm nóng

Báo cáo thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Chính phủ cho biết, xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

Với Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai 8 nội dung.

Trong đó, có việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật; kiện toàn bộ máy; phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm; hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn...

Chính phủ và các bộ, ngành đã thực hiện nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 7 nội dung như cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa hành chính; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức…

Đáng chú ý, đã rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ tinh gọn. Cho nên, đã giảm 6 Tổng cục thuộc Bộ Công an; nhập 20 cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh vào cơ quan Công an cấp tỉnh; giảm 1 Tổng cục và 5 đơn vị đầu mối thuộc Bộ Công Thương; giảm 15 Vụ thuộc Bộ...

Trong 3 năm qua, biên chế công chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện giảm từ 1,7 - 2,9%; biên chế trong các đơn vị sự nghiệp của 62 địa phương đã giảm 3,16% so với năm 2015.

Cũng theo báo cáo, thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4, Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải quyết nhiều vấn đề trên các lĩnh vưc công thương, TN&MT, GD&ĐT, nội vụ, NN&PTNT, VHTT&DL, y tế, kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, điều tra tội phạm, thi hành án.

Điển hình như xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công thương, đến nay đã có 2/6 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi, 1/3 nhà máy bắt đầu vận hành trở lại, nhiều dự án có chuyển biến tích cực.

Trong lĩnh vực TN&MT, đáng chú ý là vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh từng dậy sóng nghị trường cách đây 2 năm, nay công ty đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính, tiến hành cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải…

Về lĩnh vực GD&ĐT, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây. “Bất cập, sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương đã được chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019”, Chính phủ báo cáo.

Còn trong lĩnh vực nội vụ, kết quả thẩm tra từ năm 2015 đến giữa năm nay, số lượng tinh giản biên chế là 38.939 người. Chính phủ thực hiện đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng bước đầu đạt kết quả, được dư luận đánh giá cao…

Cũng theo báo cáo, điều tra, xử lý tội phạm có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh, là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây.

“Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ”, Chính phủ nêu rõ.

Hương Giang