Chiều ngày 6/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Uỷ ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban 1889).

Nông sản ùn ứ do xuất theo hình thức trao đổi cư dân biên giới

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, dịch nCoV bùng phát đã khiến tình hình thương mại, giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản, trái cây đã xảy ra hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn do tạm đóng cửa khẩu trong thời gian dịch bệnh. Tới hôm qua, nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn mới bắt đầu được giải toả sau hơn 10 ngày ách tắc.

“Chúng ta chống dịch, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn lối mở, nhưng không được để ách tắc hàng hoá, phải tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ông nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là không chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhưng tránh để hàng hoá ách tắc.

Vừa qua, một số cơ quan chuyên môn cứng nhắc trong xử lý hàng hóa thông quan tại cửa khẩu, đưa ra văn bản không phù hợp diễn biến tình hình khi "đình chỉ xuất cái này, nhập cái kia", ảnh hưởng nhất định tới bao tiêu hàng hóa qua biên giới.

"Cần có phân tích, đánh giá thực trạng trên ảnh hưởng thế nào tới bao tiêu hàng hoá qua biên giới. Biện pháp kiểm tra chuyên ngành, thông quan cần bổ sung biện pháp nào để vừa tạo điều kiện thuận lợi, nhưng không làm ách tắc giao thương", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Lý giải nguyên nhân nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, ngoài việc Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ Tết do dịch bệnh, khi các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính được mở cửa trở lại từ ngày 3/2 lại chỉ thông quan được hàng xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng. Trong khi phần lớn các xe container thanh long tại các cửa khẩu là xuất theo hình thức trao đổi cư dân biên giới. Vì thế, phải tới khi các chợ đầu mối biên giới mở cửa trở lại (9/2), hàng hóa mới lưu thông trở lại.

"Lạng Sơn đã thông quan được một số khối lượng nhất định do chủ hàng đồng ý chuyển sang xuất theo chính ngạch, chịu thêm thuế VAT. Còn tại Móng Cái, Lào Cai chưa thể xuất được do chủ hàng không đồng ý chuyển xuất chính ngạch, quyết chờ đợi chợ đầu mối biên giới mở cửa. Đến hết ngày 6/2, 60 container thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã được thông quan, vẫn còn tồn 200 container", ông Khánh cho biết.

Sớm thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu

Khó khăn nữa cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu là quy định cách ly 14 ngày với tài xế chở hàng qua biên giới Trung Quốc. Để thuận lợi cho giao thương, ngày 6/2, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu tuyến hai. Ông Trần Quốc Khánh đề nghị Bộ Y tế sớm trả lời để đàm phán với phía Trung Quốc, thống nhất quy trình phòng dịch bệnh.

"Quy trình phòng, chống dịch ở cửa khẩu tuyến hai cần thống nhất để đảm bảo chống dịch nhưng không gây gián đoạn quá mức đối với hoạt động xuất nhập khẩu", ông Khánh nói nói.

Đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương là "dịch nCoV chỉ lây qua người chứ không lây qua hàng hóa, phương tiện”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ sẽ có một số hướng dẫn chi tiết đối với những trường hợp này, không để vì đó mà làm ách tắc hàng hóa, ảnh hưởng đến kinh tế.

Còn theo Tổng cục Phó Tổng cục Hải quan Mai Văn Thành, hiện nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 4-5 lần so với trước, khiến giá thành sản xuất mặt hàng này bị đẩy cao. Xuất khẩu khẩu trang sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến tháng 10/2019 và đầu năm 2020. Riêng tháng 1/2020, lượng khẩu trang xuất sang thị trường này tăng 300%.

Toàn cảnh phiên họp

Phó Thủ tướng cho biết, để cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chống dịch nCoV mà không tăng giá bán như: Nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế… Chính phủ sẽ sớm có biện pháp miễn một số thuế như thuế nhập khẩu khẩu trang, nguyên liệu sản xuất khẩu trang…

“Qua trao đổi với Bộ Tài chính, số giảm thu khi thực hiện chính sách này khoảng 400-500 tỉ đồng, nên không quá lo ngại gây khó cho thu ngân sách”, Phó Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp logistics giảm phí lưu kho để “giải cứu” nông sản

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị các hội viên, doanh nghiệp logistics cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.

Tại phiên họp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Công Thương và thống nhất sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.

"Đây là một hành động thiết thực của doanh nghiệp logistics để ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch. Chúng tôi hy vọng qua đây sẽ tiếp tục tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, cùng hỗ trợ nhau và hỗ trợ nông dân để giảm thiệt hại do dịch gây ra", ông Hiệp nói.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ rất hoan nghênh việc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chia sẻ với nhau lúc này là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị, các bộ, ngành theo dõi sát tình hình mở cửa biên giới, để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn, vừa kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ trên đường bộ mà cả ở cảng biển.

Hương Giang