+ Hôm qua (24/10), Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận những sai phạm, khuyết điểm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: Không để cán bộ làm sai được “hạ cánh an toàn”

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là quan trọng và đúng nguyên tắc, đúng chức năng của cơ quan Ủy ban kiểm tra. Chúng tôi hoan nghênh kết luận này nhưng đúng như nhiều ý kiến dư luận nói với tôi, có lẽ như vậy là chưa đủ, chưa thể dừng ở đây được.

Ông Vũ Mão trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 25/10

Đằng sau những sai phạm trong vụ việc bổ nhiệm cán bộ đó, đằng sau sự “không kiểm soát được quyền lực đó” thì động cơ là gì và hậu quả của nó là gì? Một cán bộ như Trịnh Xuân Thanh đã bộc lộ sự vi phạm pháp luật rồi, đã biết không đủ tiêu chuẩn rồi mà vẫn đồng ý để thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm giao trọng trách cho ông ta, vậy thì đằng sau đó là gì?

Kết luận trên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới chỉ làm ở cơ quan Đảng. Cơ quan Đảng chỉ xem xét kỷ luật cán bộ, trong đó hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng, cụ thể ở đây là Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị mức xử lý cảnh cáo về Đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Chúng ta không thể không đi đến cùng với một vụ việc hết sức nghiêm trọng như vậy. Cái lớn hơn là kiểm soát quyền lực, chính kiểm soát quyền lực không tốt dẫn tới công tác cán bộ không tốt, dẫn tới tham nhũng và từ đó gây bức xúc nhân dân.

Vì thế, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận như vậy thì các cơ quan chức năng khác của Nhà nước như Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tiếp tục vào cuộc làm rõ, kết luận rõ, đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.

Lâu nay chúng ta vẫn nói về hưu rồi là hạ cánh an toàn, theo tôi không nên quan niệm như vậy và càng không nên để họ hạ cánh an toàn nếu họ thực sự có những vấn đề liên quan, để lại hậu quả do trách nhiệm của mình khi đang đương chức. Nếu không thì lãnh đạo trước khi về hưu cứ làm ào ào đi rồi thoải mái về hưu thì không được, nhân dân không thể chấp nhận.

Theo tôi, những người dù đã về hưu nhưng có liên quan đến trách nhiệm của mình khi còn đương chức thì vẫn phải đưa ra xem xét, xử lý, như thế mới là công bằng xã hội. Còn những người đang đương chức thì đương nhiên là phải xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật, nguyên tắc điều lệ của Đảng. Như vậy mới góp phần xây dựng xã hội phát triển ổn định hơn.

- Tôi nghĩ rằng, cần tiếp tục làm cụ thể, cẩn thận, chứ không chỉ dừng lại ở những việc chung. Vì liên quan đến vi phạm quy định của Nhà nước, đặc biệt là động chạm đến quy định của Bộ luật Hình sự, xâm phạm đến nhiều lợi ích chung.

Chứ dừng lại ở mức độ kết luận chung thì tôi chưa hài lòng.

+ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng. Người dân cho rằng, với một người đã về hưu thì hình thức kỷ luật này không có nhiều ý nghĩa mà cần phải xử lý nghiêm?

- Hình thức cảnh cáo chưa bảo đảm sự răn đe. Trong trường hợp này phải làm rõ những dấu hiệu đã có. Như thế mới mong rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lợi dụng chức vụ đi đến nơi, đến chốn, như thế tính răn đe mới cao.

Tôi cho rằng, phải giải quyết được vấn đề này thật rốt ráo, nên làm nghiêm, không có ngoại lệ. Vì chức vụ càng cao, pháp luật càng phải nghiêm.

+ Với những kết luận sai phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng như việc bổ nhiệm con trai có dấu hiệu vụ lợi, thực hiện không đúng quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh thì bước tiếp cần giải quyết hệ quả như thế nào?

- Bây giờ, tôi không nói được cụ thể biện pháp. Vì những biện pháp theo đó về hành chính hay áp dụng bắt buộc của pháp luật quy định thì phải trên cơ sở điều tra kĩ càng hơn nữa.

+ Theo ông có nên thu hồi lại các quyết định đã bổ nhiệm?

- Tôi không đi vào những vụ việc cụ thể, nhưng tinh thần cơ bản cần phải làm thật kỹ, đến nơi, đến chốn!

+ Có ý kiến cho rằng, do cơ chế kiểm soát quyền lực còn lỏng lẻo nên mới dẫn tới tham nhũng. Vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng có phải là điển hình của việc kiểm soát quyền lực không tốt?

- Đây cũng là ví dụ về việc chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực. Cho nên, chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiểm soát chỗ này tốt hơn, cụ thể và rõ ràng hơn, để tránh lạm dụng quyền lực làm điều sai trái.

Bất kỳ người dân nào có sáng kiến xây dựng pháp luật đều được hoan nghênh, nhất là sáng kiến nhằm kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng chức vụ quyền hạn làm những việc ảnh hưởng tới xã hội.

+ Ngay trong báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều có những nhận định, có việc lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm người nhà. Ông nghĩ gì về điều này?

- Nhận định này là phản ánh ý kiến của người dân. Chỗ này, chỗ kia người dân bức xúc đòi hỏi phải giải quyết đến nơi đến chốn, không làm nửa vời vì sẽ nhờn luật, không đủ sức răn đe với cán bộ khác trong điều kiện hiện nay.

Chúng ta phải cố gắng phát hiện, không để tái diễn, trở thành xu hướng của xã hội để làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, đặc biệt liên quan đến cán bộ, công chức.

+ Như vậy, cần phải thanh tra công vụ mạnh mẽ hơn nữa, thưa ông?

- Đúng! Tôi đồng ý! Phải thanh tra công vụ mạnh mẽ hơn nữa, không trừ một ai, không có ngoại lệ.

+ Xin cảm ơn ông!

ĐBQH Dương Trung Quốc: Chức vụ càng cao phải chịu trách nhiệm càng lớn

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận kỷ luật đối với nguyên cán bộ cấp cao của Đảng - nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thể hiện nguyên lý rất quan trọng đó là mọi người phải bình đẳng trước pháp luật, thậm chí người xưa đã nói, người chức vụ càng cao thì phải chịu trách nhiệm mức độ càng lớn. Bởi người dân bình thường họ không được hưởng nhiều cái lợi nên sai sót có thể do nhiều lý do.

Chính vì thế, việc làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiều tác dụng, nhất là mang tính răn đe quan trọng. Còn xử lý một con người thì không ai mong muốn cả. Chúng tôi cũng chẳng muốn ai bị xử lý cả, nhưng tính răn đe là rất quan trọng. Vì thế, tôi nghĩ, việc làm này cho người dân tin rằng lời nói và việc làm, nhất là đối với cơ quan lãnh đạo Đảng là rất quan trọng.

Thảo Nguyên