Ngày 11/3, chúng tôi về huyện Ninh Hải để ghi nhận về tình hình sản xuất của bà con trong thời điểm nắng hạn. Tại hồ Ông Kinh vào lúc 9h sáng, đập vào mắt chúng tôi là lòng hồ đã cạn khô nước. Gần ngay cạnh, có đàn cừu cả trăm con của bà con nông dân đang gặm cỏ cháy khô để lót dạ.

Để duy trì sản xuất, nông dân xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng tìm nguồn nước. Thậm chí, có người bỏ ra hàng trăm triệu khoan giếng mà vẫn chưa thấy nước đành phải khoan nợ tiền để tiếp tục tìm nguồn nước phục vụ cho sản xuất và chăn nuôi gia súc.

Tình cờ gặp ông Nguyễn Chung, thôn Mỹ Phong 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, chúng tôi được ông Chung cho hay: "Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người dân chúng tôi đang điêu đứng vì nắng hạn. Gia đình tôi phải bỏ ra 40 triệu đồng để khoan giếng. Mỗi tháng phải chi thêm khoảng 2 triệu đồng tiền điện cho 2 máy bơm nước đặt tại khu vực giếng khoan và khu vực rẫy sản xuất”.

Còn ông Lâm Học Mười, thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ: “Lòng hồ nước cạn từ trước Tết. Sau đó, giếng khoan của tôi cũng cạn hết theo. Để cứu 8 sào hành đang thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, tôi phải đi xin nước giếng khoan của 3, 4 hộ dân quanh khu vực này. Sau khi hành thu hoạch xong, tôi phải đầu tư 70 triệu đồng khoan giếng sâu hơn 100 mét mới có nước để chuẩn bị xuống 4 sào dưa hấu. Mấy năm trước tôi chỉ khoan tầm 40 đến 50 mét là đã có đủ nước sản xuất. Nhưng năm nay nắng hạn quá, nên bà con chúng tôi phải khoan sâu hơn, có nhà khoan hơn 100 mét mà nước vẫn rất ít…”.

Từ tháng 2 đến nay, gia đình bà Võ Thị Kim Liên, thôn Mỹ Tường 1 đã khoan 2 giếng trên nền giếng cũ. Mặc dù gia đình bà đã khoan với độ sâu gần 150 mét, chi phí hơn 100 triệu đồng nhưng chỉ 1 giếng có ít nước, còn 1 cái đang tiếp tục khoan để tìm nước. Gia đình bà đang rất cần nước để cứu 5 sào nho, 5 sào cỏ và nước cho đàn bò đang khát.

Trong cái nắng gay gắt, bà Liên thở dài nói: “Giếng đầu tiên tôi khoan sâu gần 150 mét mà hiện có rất ít nước. Tổng cộng tôi khoan hết khoảng 50 triệu rồi, giờ hết tiền tôi phải khoan nợ cái giếng thứ 2. Đợi khi nào bán nho, tôi mới có tiền trả cho người ta. Như mấy năm trước, tôi chỉ cần khoan 40 - 50 mét là nước đủ sử dụng, nhưng năm nay, mặc dù khoan sâu, nước vẫn rất ít”.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tổng dung tích của 21 hồ chứa nước toàn tỉnh có 194,94 triệu m3, nhưng đến ngày 5/3 chỉ còn 55,07 triệu m3, chiếm 28,3% tổng dung tích.

Trong 21 hồ chứa nước, hiện hầu hết các hồ đều ở mực nước chết, chỉ có hồ Sông Sắt, huyện Bác Ái, có dung tích 69,33 triệu m3 là còn chứa nhiều nước với 34,88 triệu m3 và hồ Trà Co có dung tích 10,10 triệu m3, hiện còn 4,15 triệu m3.

Còn theo báo cáo của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh có 7.873ha phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới, trong đó có 4.556ha cây lúa, 3.317ha cây màu.

Như vậy, thời gian tới Ninh Thuận vẫn đang đứng trước nguy cơ khô hạn nặng. Bà con nông dân tiếp tục vất vả đi tìm nước để tưới tiêu và chăn nuôi gia súc.

CTV Khoa Lê