Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc sáp nhập địa giới hành chính huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa trở thành đô thị Thanh Hóa là phù hợp với thực tiễn và các định hướng của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa. Để có cơ sở trình các cấp có thẩm quyền quyết định, việc lập Đề án Phân loại đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I là cần thiết.

Qua rà soát, đánh giá và đối chiếu với các tiêu chí phân loại đô thị quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về phân loại đô thị, thì đô thị Thanh Hóa đã đảm bảo các điều kiện để phân loại đạt tiêu chí đô thị loại I.

Phạm vi xét phân loại đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Thanh Hóa hiện hữu (30 phường, 4 xã) và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn (1 thị trấn và 13 xã) với diện tích toàn đô thị 228,3km2, dân số đô thị 574.169 người.

Đối với việc thành lập các phường, trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh, đã có tác động rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, đặc biệt là khu vực 7 xã, thị trấn gồm: Hoằng Quang, Hoằng Đại thuộc TP Thanh Hóa; thị trấn Rừng Thông, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn thuộc huyện Đông Sơn. Tất cả các đơn vị này lối sống đô thị đã từng bước được hình thành và rõ nét.

Hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt, hoàn chỉnh đã tạo điều kiện cho các xã phát triển; dân cư đang có xu hướng chuyển sang sinh sống bằng các ngành nghề kinh doanh, thương mại, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của các xã ngày càng tăng lên.

Với các vấn đề mới đặt ra, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay tại các xã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có mô hình chính quyền đô thị để quản lý.

Ngoài ra, tại các khu vực dự kiến thành lập phường có nhiều dự án phát triển đô thị với quy mô lớn đã và đang triển khai. Do đó, việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập 7 phường: Rừng Thông, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn, Hoằng Quang và Hoằng Đại là cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và quy định hiện hành. Hiện trạng đánh giá khu vực dự kiến thành lập 7 phường đều đạt từ 11/13 tiêu chuẩn trở lên.

Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn rà soát chính xác số liệu về dân số, tỉ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của thành phố khi mở rộng; cơ cấu sử dụng đất, tính toán lượng nước sạch cho các hộ gia đình sử dụng, tiêu chuẩn nước thải đô thị; công trình hạ tầng thiết yếu bảo đảm tiêu chí lên phường...

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá, những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội rất nhanh, công tác lập quy hoạch được thực hiện khá bài bản. Việc mở rộng TP Thanh Hóa và bảo đảm tiêu chí đô thị loại I là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển. Vì vậy, quá trình lập đề án cần có đánh giá sâu về phát triển đô thị; xem xét các chỉ tiêu, tiêu chí quy định về đô thị để bổ sung đảm bảo cơ sở pháp lý, tính chặt chẽ, khả thi của đề án.

Cần đánh giá toàn diện, rà soát lại các tiêu chí các xã đảm bảo đủ điều kiện để nâng cấp thành phường. Các số liệu báo cáo trong đề án cần chính xác, thống nhất, trích dẫn nguồn đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý các địa phương cần rà soát, khắc phục kịp thời các chỉ tiêu còn thấp so với quy định; đảm bảo hoàn thiện các tiêu chí, điều kiện theo quy định.

Văn Thanh