Tháng 4/2024 là thời điểm mùa khô, giống như mọi năm nắng hạn ở Ninh Thuận diễn ra khốc liệt. Tại vùng “sa mạc” ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Hải nhiều cánh đồng măng tây xanh đang phát triển tươi tốt bởi người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm…

Màu xanh trên vùng “sa mạc”

Ông Nạo Văn Xây, ở thôn Tuấn Tú, cho biết đa phần diện tích ở đây đều là đất pha cát nên cần lượng nước lớn để sản xuất. Đặc biệt vào mùa nắng nóng nhu cầu tưới nước cho cây trồng lại càng tăng cao.

Ông Xây nói: “Trước đây bà con chủ yếu tưới theo kiểu truyền thống là bơm nước lên các mương tràn rồi cho nước tự chảy trên mặt đất để vào cánh đồng măng tây, rau màu… nên lượng nước thất thoát rất lớn, gây nên tình trạng thiếu nước thường xuyên”.

Sau khi học hỏi các mô hình tưới nước tiết kiệm ông Xây và nhiều bà con ở thôn Tuấn Tú đã đầu tư hàng trục triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ giọt cho toàn bộ 2 sào (2.000m2) đất trồng các loại cây măng tây…

“Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bản thân tôi thấy hiệu quả rất cao, chỉ cần mở van là nước tự động phun tưới cho măng tây xanh. Tưới tự động lượng nước thất thoát rất ít, lượng nước vừa đủ giữ ẩm cho cây trồng mà không gây thất thoát chảy tràn ra ngoài nên tiết kiệm được một lượng nước khá lớn”, ông Xây cho hay.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết: Trước đây vùng đất ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước là một vùng đất hoang sơ chỉ có cây xương rồng và cát trắng.

Từ năm 2019 trở đi, được sự hỗ trợ từ Ngân hàng ADB cấp vốn cho dự án nông thôn tổng hợp miền Trung đầu tư trạm bơm cấp 1 từ đập Tuấn Tú lên khu vực đất “sa mạc” thôn Tuấn Tú, từ đó người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cây măng tây xanh. Đến nay diện tích đã tăng lên 300ha.

Ông Cương cho biết thêm, thời gian qua, ADB đã hỗ trợ Ninh Thuận đầu tư 5 dự án với tổng vốn 1.350 tỷ đồng, trọng điểm là xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước 120 tỷ đồng.

Còn tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái nhờ được hỗ trợ đào ao trữ nước từ Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ - Ninh Thuận” (SACCR - Ninh Thuận) nên mùa khô năm nay nhiều hộ dân ở đây không còn lo thiếu nước.

Bà Katơr Thị Niêu, ở xã Phước Trung cho biết mấy năm trước thời điểm này các ao, hồ chứa nước không còn nước để sản xuất. Nhưng năm nay có ao trữ nước nên bà con đã không còn lo thiếu nước.

Bà Niêu chia sẻ: “Mấy năm trước thời điểm này việc sản xuất, chăn nuôi của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Muốn có nước cho đàn gia súc uống phải tranh thủ đi sớm, uống được lúc nào hay lúc đó. Bây giờ đã có ao trữ nước, đàn gia súc đã có nước uống không còn cảnh tranh giành nước nữa”.

Tại Ninh Thuận, dự án SACCR được triển khai tại 15 xã thuộc 4 huyện gồm: Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc và Ninh Hải với tổng mức đầu tư hơn 143 tỷ đồng.

Hỗ trợ nước cho người dân vùng hạn

Hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đã về mực nước chết hơn 1 tháng nay. Người dân canh tác tại khu vực hồ Ông Kinh hiện gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải, cho biết hiện địa phương có 160ha đất canh tác phụ thuộc vào nguồn nước hồ Ông Kinh, chủ yếu là các loại hoa màu như hành, tỏi, ớt.

Ông Đăng nói: “Để có nước tưới cho cây trồng trong mùa hạn, những nông dân ở khu vực này đều phải khoan giếng trong lòng hồ và chuyển nước qua nhiều chặng, do đó chi phí sẽ tăng lên khá nhiều.

Dù gặp khó khăn trong mùa nắng hạn nhưng tinh thần vượt khó, người dân ở đây đã chủ động tìm nguồn nước, không bỏ cuộc trước khó khăn. Bên cạnh đó, với dự án chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đang gấp rút triển khai đã tạo thêm động lực, giúp bà con nông dân bám rẫy, nỗ lực sản xuất…”.

UBND huyện Ninh Hải cho biết để giúp cho vùng tâm hạn hồ Ông Kinh ổn định sản xuất và hướng đến quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dự án chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đến khu vực này đang được gấp rút triển khai.

Theo đó, dự án có khoảng 64km đường ống và 61km đường phục vụ quản lý, vận hành đường ống. Hiện nay có đến 90% mặt bằng đã được bàn giao. Trước tính cấp thiết của công tác chống hạn, mặt bằng đến đâu, đơn vị chủ đầu tư đã đôn đốc nhà thầu thi công triển khai đến đó.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tạo thế chủ động ứng phó với hạn hán trước hết cần phải ưu tiên nguồn nước tại các hồ chứa để cung cấp nhu cầu sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt là áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; tiếp tục nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả; tạm dừng gieo trồng ở khu vực không chủ động nước tưới…

Bên cạnh đó, cần có phương án chở nước sinh hoạt cho người dân vùng thiếu nước; tiếp tục chỉ đạo nạo vét, đào thêm ao chứa nước; trồng thêm cỏ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo nguồn thức ăn cho gia súc; xây dựng kế hoạch di chuyển đàn gia súc từ vùng khô hạn đến nơi có thức ăn, nước uống; chủ động tưới nước theo quy trình ướt - khô xen kẽ nhằm tiết giảm nguồn nước.

Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận triển khai giải pháp điều tiết nước ở các sông, suối, hồ, đập; siết chặt kiểm tra nguồn nước tại các công trình thủy lợi, chống rò rỉ, thất thoát nước; tăng cường điều tiết cấp nước tưới luân phiên giữa các đập dâng trên sông Cái; tiến hành nạo vét, khơi thông kênh mương, trạm bơm để bảo đảm nguồn nước sản xuất và dân sinh; kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm nước, đường ống dẫn nước để chủ động phòng, chống hạn cục bộ…

Một vài hình ảnh người dân chủ động nguồn nước để “sống chung” với nắng hạn:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
Khoa Lê