Chúng tôi trở lại vùng đất Chiến khu Đ trong những ngày chuẩn bị bước vào dịp lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 lịch sử. Nếu như ở trung tâm Mã Đà - Chiến khu Đ vẫn gợi một không khí trầm mặc, hào hùng, thì với bán kính rộng ra các xã lân cận như Phú Lý, Hiếu Liêm và vùng lòng hồ công trình thế kỷ - Thủy điện Trị An, đã tạo nên một bức tranh kinh tế trù phú, vườn tược xanh tươi với những hướng đi mới trong đó có phát triển kinh tế vườn, kết hợp du lịch.

Vùng đất hào hùng một thuở

Trong chuyến trở lại Chiến khu Đ lần này, chúng tôi có dịp được nhắc nhớ, học hỏi ôn lại quá khứ hào hùng của cha anh trong những ngày chiến đấu hy sinh xương máu để bảo vệ non sông gấm vóc. Chúng tôi hiểu rõ hơn về một thuở hào hùng, về vùng đất là căn cứ cách mạng, là nơi mà đoàn quân giải phóng từ đây đã phối hợp với các mặt trận khác, thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi cuối cùng với chiến thắng vào mùa Xuân 1975.

Mã Đà cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 130km về phía Bắc, nay là một xã thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, xưa là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng bậc nhất của miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi còn là chiến khu, Mã Đà còn là “rừng thiêng nước độc”, việc hoạt động cách mạng vô cùng khó khăn. Thế nhưng, sự tồn tại và phát triển của lực lượng cách mạng tại Chiến khu Đ đã trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của quân Pháp ở Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam đứng chân ở Chiến khu Đ, sau đó chuyển sang phía bắc tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia. Cũng từ đây, căn cứ kháng chiến không ngừng được mở rộng, tạo thành hành lang chiến lược cho cách mạng cả nước, kéo dài từ Bắc đến Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, từ Chiến khu Đ, bộ đội ta đã thực hiện nhiều trận đánh tiêu diệt quân địch khi chúng mở những cuộc hành quân tìm diệt quy mô. Với địa hình hiểm trở, địa bàn Mã Đà cũng đã bao bọc cho bộ đội tránh được nhiều cuộc vây ráp của kẻ thù khiến quân địch gặp nhiều khó khăn, vùng căn cứ này cũng đã trở thành hậu phương vững chắc cho phong trào đấu tranh cách mạng, là nơi tập kết các nguồn lực, là trạm trung chuyển sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam.

Về vùng Chiến khu Đ lần này, chúng tôi đi bằng ô tô, chạy dọc tuyến đường nhựa phẳng lỳ, hai bên đường cây lá xanh mát, dù đang vào mùa nắng cao điểm nhưng có hoa vẫn khoe sắc, chim nhảy nhót líu lo, thời tiết như dịu lại. Tại trung tâm Chiến khu Đ, những cây bằng lăng, săng lẻ... đã tồn tại hàng trăm năm cao vút, phủ tán xanh. Các cán bộ, nhân viên làm việc tại khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng này cho biết, khu rừng này hiện thỉnh thoảng có khỉ, voọc, voi, bò tót và nhiều loài động vật quý hiếm khác vẫn xuất hiện, công tác bảo tồn đang được thực hiện khá tốt.

leftcenterrightdel

Đoàn cán bộ tỉnh Đồng Nai thắp hương tại Khu Tưởng niệm di tích lịch sử Chiến khu Đ. Ảnh: C.C

 

Chúng tôi đến thắp hương và thăm các khu nhà tưởng niệm, thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Mã Đà. Nghĩa trang này rộng khoảng 2,5ha. Cùng lúc cũng có nhiều đoàn khách là cán bộ, người dân đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ nơi đây. Tại nghĩa trang, hiện có 70 phần mộ liệt sỹ nhưng chỉ có 5 ngôi mộ có tên.

“Từ lâu, Mã Đà đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục về truyền thống cách mạng. Những năm gần đây Mã Đà ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm bái, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc…”, trong không khí trang nghiêm, giọng cô hướng dẫn viên như thêm trầm lắng.

Khát vọng vươn lên trong thời kỳ mới

Không chỉ nổi tiếng là căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến, vùng đất Mã Đà hiện nay đang từng bước vươn lên với những con người cần cù lao động, ham tìm tòi học hỏi các mô hình sản xuất mới để có những xóm làng trù phú với kinh tế vườn, du lịch ven hồ. Người dân vùng đất này cũng đang dần hiện thực hóa giấc mơ biến vùng ven hồ Trị An thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
Tại vùng lòng hồ Trị An, nhiều hộ dân xã Mã Đà tham gia nuôi cá lồng bè, có hộ nuôi vài chục lồng cá lăng, cá trắm. Ảnh: Chí Cường

Xã Mã Đà được thành lập ngày 1/7/2003 trên cơ sở tách ra một phần của thị trấn Vĩnh An, có 10 dân tộc Kinh, Thổ, Tày, Nùng, Mường, Chăm, Hoa, Chơ Ro, Khmer, Stiêng sinh sống. Đây là địa lý hành chính đang gắn liền và là một phần trong diện tích bảo tồn rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Con đường ĐT 761 nằm trong rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đẹp như tranh đưa chúng tôi đến ấp 3, 4 xã Mã Đà.

Theo UBND xã Mã Đà, 2 ấp có khoảng hơn 700 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân xây dựng kinh tế mới sau năm 1975. Hiện bà con hợp tác tham gia trồng rừng, làm kinh tế vườn, đời sống ngày càng khá dần.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Mã Đà chia sẻ, ngày mới thành lập cả xã chỉ mới có gần 800 hộ, chủ yếu làm nông nghiệp sơ sài kiếm sống qua ngày và đánh bắt cá trên lòng hồ Trị An. Nhờ nỗ lực vươn lên làm kinh tế cùng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 134, Chương trình 135, hỗ trợ cây con giống, đến nay xã không còn hộ đói, hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người hơn 62,7 triệu đồng/năm.

Tại vùng lòng hồ Trị An (rộng 323km2, thuộc 4 huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom) và vùng bán ngập, nhiều hộ dân xã Mã Đà tham gia nuôi cá lồng bè, có hộ nuôi vài chục lồng cá lăng, cá trắm. Trên vùng bán ngập có nhiều mô hình chăn nuôi hươu, nai, ong, trồng lúa, bắp đậu chuối. Trên lòng hồ thủy điện Trị An có hơn 70 đảo, trong đó lớn nhất là đảo Ó - Đồng Trường (20ha), các đảo Xanh, đảo Đá, Năm Bầu, hiện được quan tâm tập trung cho chiến lược phát triển du lịch sinh thái.

Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An giai đoạn 2021 - 2030 do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện được lập từ năm 2017. Quy mô diện tích lên đến hơn 4.600ha, quy hoạch 37 tuyến du lịch, 22 khu với 50 điểm du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại. Đặc biệt, có cả dự án Safari (nuôi động vật bán hoang dã). Đến cuối năm 2023 vừa qua, đề án đã được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua (kéo dài do phải xử lý chồng chéo trong chính sách, quy định chuyển đổi đất rừng đặc dụng, vùng lòng hồ, đất nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ du lịch).

Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, sẽ có sự kết nối giữa khu tổ hợp sinh thái lòng hồ Trị An với “địa chỉ đỏ” - điểm du lịch Khu ủy Miền Đông (cách 15km).

Quá trình tham quan “địa chỉ đỏ” mà nhiều màu xanh này, chúng tôi cũng đã đến thăm Khu Du lịch Angel Village rộng 2ha của anh Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1984, ngụ xã Mã Đà). Điểm du lịch này mỗi dịp cuối tuần đón từ 150-200 lượt khách đến trải nghiệm du thuyền, chèo thuyền, lái mô tô nước, cắm trại, hái trái cây ven hồ. Nhiều năm qua, du lịch ven hồ mang tính tự phát, manh mún, những người làm du lịch như anh Huy đang chờ đợi đề án du lịch của tỉnh được thực hiện để có những quy định cụ thể, hướng dẫn các hộ kinh doanh du lịch lên phương án đầu tư.

Tại ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý - sát cạnh xã Mã Đà - gia đình anh Hà Thắng có mô hình quýt đường với quy mô 3ha. Chủ vườn dùng men IMO để ủ cá mua từ lòng hồ Trị An làm phân bón, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, cây cho trái nhiều và ít sâu bệnh. Vườn quýt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2012, hiện đem thu nhập 900 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 10 lao động…

leftcenterrightdel

Anh Hà Thắng với vườn quýt đường cho tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Chí Cường

 

“Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm là 3 xã quanh “địa chỉ đỏ” căn cứ cách mạng và cùng sát cánh trong việc bảo tồn rừng hiện nay. “Địa chỉ đỏ” nhưng hiện nay bà con đang rất phấn khởi với những lạc quan trong phát triển kinh tế xanh. Hiện chúng tôi có hàng trăm hộ nông dân sản xuất giỏi…”, ông Cổ Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lý chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua sẽ làm cơ sở để khu  bảo tồn triển khai các dự án, mời gọi các nhà đầu tư vào du lịch, liên doanh liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng. Hiện nhiều công ty du lịch đã có quan tâm đầu tư bài bản. 

Chí Cường