Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã được ghi nhận ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe người dân.

Những ngày đầu tháng 3/2024, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số lượng không khí theo thống kê của AQI (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Theo kết quả quan trắc trong nhiều năm của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng này được xác định đến từ các nguồn phát thải: Giao thông; công nghiệp và dân sinh.

Với dân số khoảng 9 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển, thì giao thông được xác định là nguồn gây ô nhiễm chính của TP Hà Nội với tỷ lệ từ 58 - 74% (bao gồm cả bụi đường).

Đáng nói là trong số các phương tiện này, lại đang có rất nhiều xe cũ nát lưu hành nhiều năm. Thống kê của Công an TP Hà Nội cho thấy, hiện có khoảng hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; trên 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm. Những chiếc xe "3 không": Không được chú trọng bảo dưỡng định kỳ; không phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không quy định niên hạn sử dụng nên vẫn đang mặc sức thải, phát tán khí độc trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì lại không có căn cứ để xử lý vi phạm ảnh hưởng đến môi trường.

Để loại bỏ những phương tiện cũ nát là nguồn xả thải khói bụi gây ô nhiễm, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2027, các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô xe máy phải có trách nhiệm tái chế phương tiện theo một tỷ lệ nhất định. Việc này nhằm giảm thiểu các phương tiện xe cũ nát vẫn được lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng để thu hồi, tái chế xe cũ nát sẽ gặp rất nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý. Vì phương tiện là tài sản của người dân được pháp luật công nhận, chưa có quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô gắn máy; quy mô tái chế còn thấp, nhỏ lẻ dẫn đến khả năng thu gom, xử lý ôtô, xe máy cũ chưa thực sự hiệu quả… Còn việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy hiện vẫn đang còn “trên giấy” chưa được quy định cụ thể hóa trong luật.

Khi mà các cơ quan còn đang tìm hướng giảm thiểu các nguồn gây ô nhiêm, thì hàng ngày vẫn đang rất nhiều phương tiện không bảo dưỡng định kỳ, xe máy cũ nát vẫn thải khói đen kịt trên các tuyến đường, góp phần làm không khí Hà Nội thêm ô nhiễm.

Do vậy, rất cần thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ, tức thời, đồng bộ hơn nữa để kiểm soát và quản lý chất lượng không khí. Trong đó, cần phải tính đến phương án khuyến khích người dân chuyển từ xe xăng sang xe điện, xe không phát thải; hay thực hiện triệt để việc quy hoạch di dời 12 trường đại học, cao đẳng và một số bộ ngành khác ra khỏi nội đô để từ đó giảm tải sự tập trung lưu thông phương tiện trong khu vực trung tâm thành phố, hạn chế được ô nhiễm khí thải.

Quang Đông