Ngày 16/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Không thể nói cấm thì phải chạy bộ, đi bộ

Theo dự thảo, để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, có đưa quy định tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, cấm các loại xe cũ nát hoạt động, đặc biệt là lên lộ trình cấm xe máy trong nội đô vào năm 2030.

Chuyên gia giao thông Trần Thị Kim Đăng (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) nhấn mạnh, “cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế chứ không thể nói cấm thì anh phải chạy bộ, đi bộ”.

Theo chuyên gia này, hiện các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt phân bố rất xa nơi người dân ở, trong khi thói quen đi bộ của người Hà Nội (người già dưới 1 km, người trẻ khoảng 200 m) khác với người phương Tây (khoảng 2 km).

Vì vậy, Hà Nội cần khảo sát, điều tra đầy đủ về thực trạng giao thông. Từ đó, đưa ra giải pháp cụ thể áp dụng ở đâu, lộ trình như thế nào, đảm bảo có phương tiện công cộng thay thế cho người dân…

Đồng tình, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, phải đưa vào nghị quyết giải pháp tập trung phát triển giao thông công cộng rồi hẵng đề cập đến hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy.

“Nghị quyết không nói làm thế nào để phát triển vận tải công cộng mà chỉ thấy cấm đoán nhiều”, ông Tuấn nhận định.

Theo ông Tuấn, lộ trình cấm xe máy vào nội đô vào năm 2030 là “nóng vội”.

“Dừng hoạt động xe máy tại nội thành không thể gắn với một năm cụ thể mà phải gắn với sự phát triển của giao thông công cộng đến mức nào, gắn với kết quả đạt được về hạ tầng giao thông. Gắn với thời hạn năm 2030 là không có căn cứ, cơ sở”, ông Tuấn nói.

Ông đề nghị, riêng nội dung cấm xe máy vào nội đô nên xây dựng một đề án riêng, nghiên cứu kỹ càng, trong đó phải trả lời được câu hỏi “cấm xe máy người dân đi phương tiện gì?”.

Căn cứ pháp lý nào để cấm…

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến băn khoăn về cơ sở pháp lý.

“Căn cứ pháp lý nào để Hà Nội cấm lưu hành xe máy cũ nát và đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại khu vực các quận nội thành. Nếu cấm xe máy nội thành thì người dân đi xe máy từ nội thành ra ngoại thành thế nào?”, ông Tuyến hỏi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: TN

Trả lời, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong Quyết định 49 (ngày 1/9/2011) của Thủ tướng đã nêu rõ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy. Hiện Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang nợ Chính phủ tiêu chuẩn này.

“Đây là căn cứ để thu hồi xe máy cũ không đảm bảo điều kiện hoạt động”, ông Viện cho biết, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ tiến hành rà soát, sau đó sẽ đề xuất với Bộ nội dung này.

Còn căn cứ cấm xe máy vào khu vực nội thành, theo ông Viện, thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Giao thông đường bộ.

“Vừa qua chúng ta đã cấm xe ở một số khu vực như tuyến phố đi bộ. Cho đi ở tuyến phố nào, khu vực nào, đi vào thời điểm nào, dừng đỗ ở khu vực nào… là thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lý giải.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, về mặt pháp lý và điều kiện để thực hiện mục tiêu dự thảo nghị quyết đề ra vẫn còn nhiều vấn đề. Cho nên, Hà Nội vẫn đang và sắp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có tăng cường năng lực giao thông công cộng, tổ chức giao thông hợp lý, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, tuyên truyền cho người dân…

Theo Phó Chủ tịch Hùng, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo là nhằm phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô chứ không chỉ là quản lý xe máy…

“Chúng ta làm cái này là làm cho đại bộ phận nhân dân chứ không phải làm cho một số người”, ông Hùng nhấn mạnh.

Dự kiến, dự thảo này sẽ được kỳ họp đầu tháng 7/2017 của HĐND TP Hà Nội xem xét, thảo luận…

Thảo Nguyên