Nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật về PCTN

Thời gian qua, ngành Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã bám sát và triển khai đồng bộ, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, Thành ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực và UBND thành phố.

Các sở, ban, ngành và địa phương của thành phố chú trọng, tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả thiết thực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai thực hiện toàn diện và đi vào chiều sâu.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương đã linh hoạt tổ chức 845 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực. Hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua các hội thảo, hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hoặc trong các buổi báo cáo chuyên đề của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền bằng hình thức trực tuyến, đăng tải tài liệu trên trang thông tin của cơ quan, đơn vị; trên loa phát thanh đến từng khu phố, trên kênh truyền hình, lồng ghép trong các cuộc họp giao ban…

Tổng số lượt người tham dự và truy cập tham gia trực tuyến là 46.634 người; phát hành 109.555 tài liệu, cẩm nang liên quan các quy định về PCTN, tiêu cực. Qua đó, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm được chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật về PCTN, phát huy tính tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn được quan tâm thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố có 392 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.

Thủ trưởng các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động. Trong kỳ, có 840 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị đều thực hiện theo quy định, hình thức công khai linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cũng thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Toàn thành phố đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đối với 1.114 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản, thu nhập

Thực hiện hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2024, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập đối với 26 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương. Thanh tra thành phố đã chủ trì, tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên (đợt 1) theo quy định, lựa chọn 161 người được xác minh tài sản, thu nhập từ 13 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Qua công tác xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh. Từ đó phân tích, đánh giá về tính trung thực trong việc thực hiện kê khai và giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đồng thời, xác định những tồn tại, nguyên nhân và kịp thời báo cáo, đề xuất các khó khăn, vướng mắc qua thực tế thực hiện tại thành phố; kiến nghị giải pháp để tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo đánh giá của Thanh tra thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành ủy và UBND thành phố đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện một cách toàn diện.

Tổng số vụ việc, đối tượng tham nhũng được phát hiện tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố là 5 vụ, 7 người.

Các cấp chính quyền đã chủ động xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch về công tác PCTN, tiêu cực phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng xác định ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Thời gian tới, ngành Thanh tra thành phố tiếp tục tham mưu việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, các chủ trương, chỉ đạo trong PCTN, tiêu cực, nhất là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chủ động theo dõi, đôn đốc, kịp thời tham mưu việc thực hiện đầy đủ các nội dung đã đề ra tại kế hoạch thực hiện công tác PCTN, tiêu cực của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thường xuyên đánh giá, nắm bắt thông tin về các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu để kịp thời đề xuất giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính, trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cảnh Nhật