Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài chính, công khai việc mua sắm công, đầu tư xây dựng năm 2023 và dự toán chi năm 2024.

Đồng thời, niêm yết các văn bản, thủ tục hành chính, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo; thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại trụ sở cơ quan.

Trong kỳ, đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động tại 3 đơn vị do Thanh thanh huyện Buôn Đôn thực hiện. Qua kiểm tra, đã góp phần chấn chỉnh các phòng, ban chuyên môn tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động.

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ với tiêu chí: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện công tác; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy. Các đơn vị trong tỉnh đã ban hành mới 12 văn bản, bãi bỏ 1 văn bản, tổ chức kiểm tra về định mức, tiêu chuẩn, chế độ tại 2 đơn vị.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện “bộ quy tắc ứng xử người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách”, được ban hành kèm theo Quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 5/10/2022 của UBND tỉnh.

Trong kỳ, đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn để kịp thời chấn chỉnh các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về quy tắc ứng xử.

Thực hiện quy định về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 21 công chức, viên chức.

Trong kỳ, thanh tra các cấp, ngành trên toàn tỉnh đang triển khai 17 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN, đã kết thúc và ban hành 9 kết luận. Qua hoạt động thanh tra, chưa phát hiện hành vi tham nhũng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 7 vụ/20 bị can có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng, chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố 7 vụ/20 bị can.

Thực hiện kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; người đứng đầu đại diện phần vốn Nhà nước, chủ doanh nghiệp đã chấp hành việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của đơn vị và trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước theo quy định.

Tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN đến người lao động về chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCTN.

Đối với khu vực ngoài Nhà nước, UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn một số nội dung về thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên.

Xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động, triển khai thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích; quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

Nhằm nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc nâng cao hiểu biết nhận thức, phát hiện, đấu tranh đối với công tác PCTN; khuyến khích các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện các hành vi tham nhũng ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương...

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng thường xuyên quan tâm, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể để chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh và có văn bản trả lời đối với thông tin do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chuyển đến.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả tích cực, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Nhận định công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực phải được xây dựng từ cơ sở, tỉnh Đắk Lắk là đơn vị tiên phong trên cả nước triển khai đánh giá công tác PCTN cấp huyện, là giải pháp đột phá về PCTN, tiêu cực để nhận định đúng thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với chủ tịch UBND cấp huyện.

Từ đó, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm để kịp thời có biện pháp khắc phục với mục tiêu thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác PCTN, tiêu cực. Nhờ đó, bộ chỉ số về PCTN của tỉnh liên tục được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo quy định của Luật PCTN 2018. Đồng thời, triển khai công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN, tiêu cực.

Vũ Linh