Xét, đánh giá phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến

Hội đồng Sáng kiến TTCP do Tổng TTCP quyết định thành lập, gồm Phó Tổng TTCP phụ trách công tác thi đua, khen thưởng - Chủ tịch Hội đồng; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Phó Chủ tịch Hội đồng. Các ủy viên là Vụ trưởng Vụ 1, 2, 3; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Cục trưởng Cục Cục I, II, III; Cục trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực; Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra; Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương; Chánh Văn phòng; Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể; Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; Tổng Biên tập Báo Thanh tra; Chủ tịch Công đoàn TTCP; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng.

Đối với các vụ, cục, đơn vị chưa có vụ trưởng, cục trưởng, thủ trưởng đơn vị thì người được giao phụ trách vụ, cục, đơn vị là Thành viên Hội đồng.

Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng. Hội đồng có Tổ giúp việc là công chức của Vụ Tổ chức cán bộ, do Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phân công để giúp việc cho Hội đồng và Thường trực Hội đồng.

Hội đồng có chức năng tham mưu, tư vấn cho Tổng TTCP về việc công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu làm căn cứ xét danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng theo quy định.

Có nhiệm vụ xét, đánh giá, đề nghị Tổng TTCP quyết định công nhận sáng kiến theo quy định; xét, đánh giá, đề nghị Tổng TTCP quyết định công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến; xem xét, đề nghị Tổng TTCP quyết định công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu.

Bên cạnh đó, tham mưu Tổng TTCP thực hiện các chính sách, các biện pháp phù hợp để đẩy mạnh hoạt động công nhận sáng kiến, áp dụng sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu vào thực tiễn; xem xét, kiến nghị Tổng TTCP hủy bỏ quyết định công nhận sáng kiến, quyết định công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đối với các trường hơp phát hiện có vi phạm quy định trong xét, công nhận. Và thực hiện những nhiệm vụ khác do Tổng TTCP giao.

Hội đồng họp định kỳ 1 năm 2 lần hoặc đột xuất theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng để thảo luận, cho ý kiến tham mưu với Tổng TTCP về việc thực hiện các chính sách, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, phát huy hiệu quả áp dụng của sáng kiến, của đề tài nghiên cứu khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu; xét, đánh giá và đề nghị Tổng TTCP quyết định công nhận sáng kiến theo quy định; xét, đánh giá, đề nghị Tổng TTCP công nhận về phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu để làm cơ sở xét, đề nghị khen thưởng theo quy định…

Thời gian, nội dung, chương trình cụ thể của phiên họp Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

Thành phần tham dự các phiên họp của Hội đồng là các thành viên Hội đồng, Tổ giúp việc Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời thêm đại biểu có liên quan là những chuyên gia hoặc những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học tham dự để thảo luận, phát biểu ý kiến; Tổ giúp việc và đại biểu mời không có quyền biểu quyết tại phiên họp Hội đồng.

Phiên họp của Hội đồng được tiến hành hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng; Hội đồng biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản). Các quyết nghị của Hội đồng phải đạt từ 2/3 trở lên tổng số thành viên Hội đồng đồng ý.

Trong trường hợp đặc biệt hoặc đột xuất mà không triệu tập được phiên họp theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng, Tổ giúp việc có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ để Thường trực Hội đồng gửi văn bản xin ý kiến thành viên Hội đồng.

Thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu và có ý kiến theo đúng nội dung, thời hạn quy định. Tổ giúp việc có trách nhiệm tổng hợp ý kiến thành viên Hội đồng, báo cáo kết quả để Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định.

Kết quả xét, công nhận sáng kiến, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến được đăng tải kịp thời trên ổng thông tin điện tử của TTCP.

Người được công nhận phải là tác giả (hoặc đồng tác giả) trực tiếp tạo sáng kiến

Về điều kiện, tiêu chuẩn của sáng kiến, Điều 14 quy định, người được công nhận sáng kiến phải là tác giả (hoặc đồng tác giả) trực tiếp tạo sáng kiến; sáng kiến có tính mới hoặc giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công tác cụ thể của cơ quan; không trùng với sáng kiến của người khác đã được công nhận hoặc đã được áp dụng; sáng kiến đã được áp dụng hoặc áp dụng thử và có khả năng mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực.

Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc TTCP gửi hồ sơ theo quy định về Thường trực Hội đồng Sáng kiến đề nghị công nhận sáng kiến. Thời gian gửi hồ sơ chậm nhất là ngày 30/10 hằng năm. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thường trực Hội đồng thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ (theo mẫu).

Thường trực Hội đồng gửi hồ sơ và bản tổng hợp sáng kiến của các cá nhân đủ điều kiện xem xét đến các thành viên Hội đồng để nghiên cứu theo quy định. Hội đồng họp xem xét, đánh giá nội dung sáng kiến để quyết định trình Tổng TTCP công nhận hoặc không công nhận. Thời gian họp Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

Chậm nhất là 2 ngày làm việc, kể từ khi có kết quả xét, đề nghị công nhận sáng kiến, Thường trực Hội đồng thông báo công khai trên hệ thống mạng nội bộ TTCP. Thời hạn thông báo công khai là 5 ngày làm việc.

Hết thời hạn thông báo công khai, nếu không có khiếu nại, tố cáo, Thường trực Hội đồng tổng hợp và hoàn chỉnh hồ sơ trình Tổng TTCP ban hành quyết định công nhận và công khai trên hệ thống mạng nội bộ của TTCP (theo mẫu). Trường hợp không công nhận thì Thường trực Hội đồng thông báo cho đơn vị liên quan biết.

Điểm tối đa của tiêu chí sáng kiến là 100 điểm, trong đó, tính mới của sáng kiến, tối đa 40 điểm (chỉ chọn 1 trong 3 tiêu chí); lợi ích, hiệu quả của sáng kiến, tối đa 60 điểm (chỉ chọn 1 trong 3 tiêu chí).

Điểm chấm của từng thành viên Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến đủ để công nhận sáng kiến đối với mỗi loại sáng kiến phải đạt số điểm từ 80 điểm trở lên (theo mẫu).

Tổng TTCP có quyền hủy bỏ việc công nhận sáng kiến nếu vi phạm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 14 Quy chế này.

Về quan hệ công tác, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng khi thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và báo cáo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về kết quả thực hiện công việc được phân công, kịp thời báo cáo thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thường trực Hội đồng làm đầu mối phối hợp giữa các thành viên Hội đồng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quy định tại Quy chế này. Bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa thành viên Hội đồng với thường trực Hội đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tổ giúp việc Hội đồng chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng, trực tiếp là Thường trực Hội đồng trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có trách nhiệm báo cáo với Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Thường trực Hội đồng khi có yêu cầu về hoạt động và nhiệm vụ được Hội đồng giao; tham mưu, xin ý kiến về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo sự phân công của Hội đồng, Thường trực Hội đồng; phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Thường trực Hội đồng; chịu trách nhiệm trước Thường trực Hội đồng. Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin trong thực hiện nhiệm vụ...