Ngang nhiên giả mạo các đơn vị Công an trên mạng xã hội

Theo Học viện Cảnh sát nhân dân, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo ngang nhiên, công khai giả mạo các đơn vị Công an trên mạng xã hội. Số lượng người dân bị lừa đảo ngày càng nhiều với số tiền lớn, diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trường hợp gần nhất, Công an thành phố Hà Nội tối 15/4 ra thông tin cảnh báo, trên mạng xã hội facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Học viện An ninh nhân dân hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng dựa trên hình ảnh của Học viện An ninh nhân dân để gây dựng niềm tin với các nạn nhân bị lừa. Sau đó, các đối tượng sử dụng hình ảnh của Học viện An ninh nhân dân rồi thông báo hỗ trợ các nạn nhân nhận lại tiền bị lừa.

Theo Công an thành phố Hà Nội, thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh Học viện An ninh nhân dân để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. 

Nhiều phương thức, thủ đoạn của các page giả mạo

Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, phương thức, thủ đoạn chung của các page giả mạo là:

Thứ nhất, đổi tên từ các page cũ có sẵn lượt theo dõi cao hoặc lập mới hoàn toàn theo tên gọi của các đơn vị Công an như: Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ; Cục A05 tiếp nhận trình báo - hỗ trợ thu hồi vốn treo; Cục An ninh mạng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến; Học viện Cảnh sát nhân dân; Trại hè kỹ năng - Trại hè Công an nhân dân…

Thứ hai, ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị Công an, dẫn link đến các trang web chính thống của lực lượng Công an.

Thứ ba, đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng Công an.

Học viện Cảnh sát nhân dân lưu ý, các đối tượng thậm chí còn sử dụng hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an để đăng tải trong các bài viết quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo.

Các trang giả mạo sau khi dùng thủ đoạn nêu trên để tạo niềm tin cho người dân và chạy quảng cáo, đăng tải các bài viết liên quan đến nhu cầu của người dân để thôi thúc họ liên hệ, nhắn tin cho page giả mạo như: Trình báo các vụ việc, lấy lại tiền bị lừa đảo, tham gia các khoá huấn luyện…

Khi người dân có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang các app nhắn tin như zalo, telegram để che giấu hành tung, đồng thời tạo nhiều tài khoản giả mạo tham gia cùng để tạo hiệu ứng đám đông, tạo niềm tin cho nạn nhân.

Tiếp đến, đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, không mất phí nhưng được trả số tiền nhỏ 20.000 đồng, 30.000 đồng. Sau đó là các nhiệm vụ cần chuyển tiền để được hoàn tiền cao hơn và nạn nhân thực sự được hoàn tiền. Nhưng khi số tiền tăng dần thì chúng bắt đầu tìm các lí do để trì hoãn, yêu cầu nạn nhân chuyển thêm để được hoàn tiền nhiều hơn nếu không sẽ mất trắng.

Do tin tưởng, nhiều người dân đã chuyển tiền và khi nhận ra lừa đảo thì lập tức bị chặn liên lạc.

Người dân sau khi bị lừa đảo lần 1, thậm chí còn tiếp tục bị lừa lần 2 khi tìm kiếm sự trợ giúp trên mạng và trình báo thông qua các page giả như Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ; Cục A05 tiếp nhận trình báo - hỗ trợ thu hồi vốn treo; Cục An ninh mạng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số trang mạng xã hội có dấu hiệu mạo danh các đơn vị Công an để dẫn dụ nạn nhân trình báo. Ảnh: Học viện Cảnh sát nhân dân 

Để tránh bị lừa đảo, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng: tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội.

Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan Công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.

Hà Anh