Trước tình hình hoạt động và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của những người trước đây đã từng lầm lỗi tin, nghe theo Fulro, “Tin lành Đề ga” chưa thực sự yên tâm làm ăn, lao động sản xuất, năm 2022, Công an huyện đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và hệ thống chính trị ở cơ sở triển khai thí điểm mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”.

Vận động các đối tượng chấp hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo, quay về sinh hoạt các tôn giáo hợp pháp, được Nhà nước công nhận như: Tin lành Truyền giáo Cơ đốc; Tin lành Việt Nam (Miền Nam)… Công an huyện đã cùng 11 chức sắc, chức việc trong tôn giáo, người uy tín vận động, phối hợp tổ chức 4 buổi đón nhận các công dân từng lầm lỗi theo “Tin lành Đề ga” dưới hình thức “tu tại gia” quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, có hiệu quả đặc biệt rõ nét ở xã Ia Ake.

leftcenterrightdel
Người có uy tín chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Sơ kết công tác vận động quần chúng và ra mắt mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” ở huyện Phú Thiện, chiều ngày 12/7/2023. Ảnh: Thúy Hạnh 

Với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, ngại khổ kiên trì vận động với phương pháp phù hợp, phối hợp với những người lầm lỡ nay đã tiến bộ tuyên truyền thuyết phục người dân sinh hoạt tại các điểm nhóm tôn giáo hợp pháp. Siu Un là người dân tộc Jrai, ở Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ke từng nghe theo đối tượng Fulro lưu vong lôi kéo chống phá chính quyền, mơ tưởng hão huyền với cái gọi là "nhà nước Đề ga" và phải trả giá bằng bản án 16 năm tù. Khi được trở về địa phương, không muốn bà con mắc mưu kẻ xấu, lầm đường lạc lối giống như mình, Siu Un đã tích cực phối hợp với lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền, vận động những người theo “Tin lành Đề ga với hình thức “tu tại gia” quay về với sinh hoạt thuần túy. “Mình từ bỏ "Tin lành Đề ga" đi, đấy không phải là một tôn giáo chính thống mà là tổ chức phản động, gây rối chống phá Nhà nước”, Siu Un chia sẻ cách tuyên truyền.

Đồng thời, nhằm phát huy tốt vai trò người uy tín, chức sắc tôn giáo, Công an huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, công an cũng cung cấp các thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động, vạch trần âm mưu xâm phạm an ninh quốc gia, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc…

Trên cơ sở những kết quả khả quan trong tình hình mới hiện nay, mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” chính thức được ra mắt vào tháng 7/2023 và được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện với mục tiêu huy động đồng bộ hệ thống chính trị cơ sở. Đặc biệt là các chức sắc, chức việc tôn giáo và người dân có vai trò quan trọng trong việc theo dõi, giúp đỡ 100% những người đang tham gia hoạt động tôn giáo hợp pháp.

Một truyền giáo của Hội Tin lành truyền giáo Cơ đốc, xã Ia Hiao, ông Ksor Lý cho biết: “Ngoài những lúc tuyên truyền tập trung, tôi và cán bộ công an cũng tranh thủ những lúc có đám hiếu, hỉ, lễ hội hoặc sinh hoạt tôn giáo để gặp gỡ tiếp xúc, tuyên truyền cho bà con. Khi phát hiện những vấn đề nổi lên trong làng như xích mích, mâu thuẫn giữa các hộ dân, những trường hợp liên lạc với các đối tượng Fulro lưu vong, tôi sẽ thông tin, phối hợp với công an xã đến gặp gỡ, trao đổi, hòa giải, ngăn chặn kịp thời”.

leftcenterrightdel
 Ông Ksor Lý (phải) - người truyền giáo của Hội Tin lành truyền giáo Cơ đốc, xã Ia Hiao đang tuyên truyền người dân tham gia các tôn giáo hợp pháp. Ảnh: Thúy Hạnh

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Qua thực hiện thí điểm mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”, Công an huyện Phú Thiện đã giải quyết được ba vấn đề lớn. Thứ nhất là phát huy được vai trò của lực lượng cốt cán tại cơ sở trong vận động tuyên truyền, giáo dục cảm hóa quần chúng nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Hai là, giải quyết được niềm tin tôn giáo, nhu cầu tín ngưỡng của bà con. Thứ ba, từng bước làm mất đi những điều kiện của các thế lực thù địch như phản động Fulro có thể móc nối, lôi kéo, dụ dỗ hoạt động gây mất an ninh, trật tự ”.

Phó Trưởng Công an huyện Phú Thiện, Trung tá Mã Ngọc Lâm cho biết: “Để chủ động giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi phối hợp cùng xã, thị trấn trực tiếp gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để động viên và giúp học khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó, chúng tôi cũng vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận họ vào làm việc ổn định; ngân hàng hỗ trợ vay vốn sản xuất, khắc phục khó khăn bước đầu. Nhiều trường hợp sau khi mãn hạn tù đã quyết chí làm lại cuộc đời, có việc làm và thu nhập ổn định. Họ cũng phối hợp với cơ quan công an, chính quyền trong công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân, nhất là trẻ vị thành niên tránh xa tệ nạn và tôn giáo không chính thống”.

Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” được xây dựng trên địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Phú Thiện. Đây là mô hình sáng tạo, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Mô hình cũng tích cực hỗ trợ những người lầm lỡ sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng. Không những vậy, mô hình còn là điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thiết thực góp phần bảo vệ cho nhân dân có một cuộc sống bình yên hạnh phúc.

Thúy Hạnh