Thiệt hại “khủng”… 

Nhắc đến Phạm Công Danh, VNCB, dư luận bức xúc về số tiền gây thiệt hại lên đến hơn 9.000 tỷ đồng mà TAND TPHCM và cuối tháng 1/2017, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xét xử. 
Vụ “đại án” Phạm Công Danh gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng được TAND TP HCM xét xử sơ thẩm và cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, đối với Phạm Công Danh 30 năm tù về 2 tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Chưa hết, Phạm Công Danh còn liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương -Oceanbank) gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng và bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vào hồi cuối tháng 8/2017.

Như vậy, với phiên tòa xét xử Phạm Công Danh giai đoạn hai, cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng đang diễn ra, với khung truy tố tội danh cho Phạm Công Danh như nêu trên thì tổng hợp các hình phạt từ nhiều vụ án do Phạm Công Danh gây ra với số tiền thiệt hại cực lớn là hơn 15.600 tỷ đồng nhưng lãnh chung hình phạt vẫn là… 30 năm tù.

Mua ngân hàng để rút tiền trả nợ

Tập đoàn Thiên Thanh được Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau đổi tên thành VNCB). 

Theo Đề án tái cơ cấu của Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh cùng các cá nhân có hàng ngàn tỷ để mua cổ phần từ nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn và cam kết sau khi mua sẽ nâng vốn Trustbank từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. 

Trên thực tế, báo cáo tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh thể hiện tiền mặt của Tập đoàn này vào 31/12/2012 chỉ có chưa đến 1 tỷ đồng, vào 31/12/2013 là 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2012, 2013 dưới 100 triệu đồng mỗi năm. Sau khi làm chủ ngân hàng, ngay cả lương của nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh cũng được Phạm Công Danh dùng tiền rút trái phép từ ngân hàng để trả.

Trước khi mua Trustbank, từ tháng 4/2012, Phạm Công Danh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh đã lập hồ sơ vay BIDV số tiền 2.600 tỷ đồng để thực hiện dự án bất động sản tại Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng. Sau khi giải ngân, số tiền này được chuyển lòng vòng nhưng đều tập trung về Phạm Công Danh và được Danh sử dụng chi tiêu và trả nợ cá nhân trước đó mà không hề triển khai dự án như hồ sơ vay. Để mua được ngân hàng, trả tiền cho nhóm của bà Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh tiếp tục vay mượn. 

Sau khi làm chủ Trustbank, Phạm Công Danh dùng nhiều cách rút tiền ngân hàng, trong đó có dùng tiền gửi của VNCB gửi sang TPbank, Sacombank, BIDV làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của mình vay vốn nhằm tăng vốn Trustbank và trả nợ cũ, chi tiêu cá nhân. Số tiền vay tại BIDV là 4.700 tỷ đồng bằng hồ sơ vay khống của 12 công ty được dùng để tăng vốn Trustbank từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng và chi tiêu. Số tiền vay tại Sacombank là 1.800 tỷ đồng thì có hơn 1.600 tỷ đồng dùng để trả nợ khoản vay trước đó tại BIDV và chuyển về tài khoản cá nhân Phạm Công Danh để chi tiêu hơn 160 tỷ đồng. Số tiền vay tại TPbank gần 1.700 tỷ đồng tiếp tục được Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cũ tại các ngân hàng khác và chi tiêu cá nhân.

Trong giai đoạn 1 của vụ án này, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, đã có những bình luận rất đáng lưu ý về đại án Phạm Công Danh. Theo chuyên gia Đinh Văn Quế, các cơ quan tố tụng xác định Phạm Công Danh phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” là chưa phản ánh đúng bản chất hành vi phạm tội của Danh, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. 

Phạm Công Danh không hề bỏ ra một đồng nào để sở hữu và kiểm soát gần như toàn bộ VNCB. Phạm Công Danh sử dụng tiền rút ra vì mục đích cá nhân. Theo quy định pháp luật thì hành vi của Phạm Công Danh có đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, có tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Ban Mai (Tổng hợp)