Sức tiêu thụ nông sản giảm vì dịch virus nCov

Dịch và các biện pháp quyết liệt để chống dịch như cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người, ngừng xuất khẩu các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch từ phía Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế.

Hoạt động xuất nhập khẩu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn có thể từ 6 đến 8 tháng.

Bởi theo nhận định của Bộ Công Thương, hiện nhu cầu tiêu thụ giảm (chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản..).

Chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản xuất khẩu từ trong nước, nhất là mặt hàng trái cây khi vào vụ thu hoạch.

Khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Trong khi đó, đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (như sầu riêng, chanh leo) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách đang diễn biến thuận lợi nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Xuất khẩu tiểu ngạch tê liệt trong “tâm bão” dịch bệnh

Theo Bộ Công Thương, hiện xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là xuất khẩu trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc, vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn dù Bộ đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua.

Do vậy, với sản phẩm xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại. Trong khi đó, các chủ hàng ngại ngần khi được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bởi chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa với việc mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.

Trong đó có việc tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An.

Các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.

Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay…để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.

Bình An