Sáng 22/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.

Chống lợi ích nhóm, thất thoát vốn nhà nước

Theo Phó Thủ tướng, những tháng đầu năm 2017, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN triển khai còn chậm. Việc xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các DN liên quan.

Lỗ, nợ của 12 dự án đều ở con số chục nghìn tỷ

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng.

Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 03 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng.

Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN, thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và DN; bảo đảm công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.

“Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc xử lý 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Chính phủ có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

“Các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị DN và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Có cơ chế chính sách phù hợp đối với từng trường hợp. Đồng thời, xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan”, ông Bình báo cáo trước Quốc hội.

Theo Phó Thủ tướng, đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy thép tại Lào Cai.

Nợ xấu còn trên 160 nghìn tỷ

Còn liên quan đến việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng cho biết, đã đạt được kết quả bước đầu.

Giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và tổ chức, cá nhân khác) chiếm gần 44%.

Tuy nhiên, việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn; năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.

Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.

Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách để xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường.

“Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém”, ông Bình nói và cho biết, sẽ có cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu chậm cổ phần hóa DNNN

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đánh giá, giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép… nhưng vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức.

Thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN hiệu quả thấp do sự thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu DN và tâm lý chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN.

“Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thời gian tới thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực nợ công, quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay trả nợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Cùng với đó, có các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém và quản lý chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.

Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh “kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa. Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài”.

Thảo Nguyên