Đồng chủ trì hội nghị là ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, còn có các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, đại diện các Liên hiệp hợp tác xã thương mại, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank tham dự hội nghị và ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nhằm phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây và thủy sản an toàn, chất lượng cao ở vùng ĐBSCL.
Đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 -2020" nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp; giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt của nông dân trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương. 
Hội nghị tập trung thảo luận và trao đổi xoay quanh: Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg; Nguồn lực và cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020; Liên minh Hợp tác xã tham gia triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong 3 lĩnh vực: lúa gạo, trải cây, thủy sản của vùng ĐBSCL; Vai trò của Liên hiệp hợp tác xã thương mại trong hội nhập và tham gia kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ hàng hóa khu vực ĐBSCL;

 Những vấn đề khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị để triển khai thực hiện Đề án tạic ác tỉnh vùng ĐBSCL. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương trong vùng ĐBSCL sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, đồng thời xây dựng phương án nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn vùng và trong cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank nhấn mạnh: ”Trên nền tảng thế mạnh của NHTM 100% vốn Nhà nước, có mạng lưới rộng lớn nhất với hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, huyện đảo, cùng gần 40 ngàn cán bộ nhân viên am hiểu, gắn bó với địa phương… tính đến 30/6/2016, Agribank có nguồn vốn trên 849.000 tỷ đồng, dư nợ nền kinh tế trên 658.000 tỷ đồng, trong đó Agribank luôn dành trên 70% tổng dư nợ để đầu tư cho “Tam nông”. Do đó, Agribank hiểu rõ hơn bao giờ hết tương lai của Ngân hàng Agribank gắn liền với tương lai của ngành nông nghiệp Việt Nam. Và để cho nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và có chỗ đứng trên chuỗi giá trị toàn cầu cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập, đã đến lúc cần có một sự dịch chuyển, điều chỉnh về tư duy. Trong quá trình chuyển dịch đó, Agribank sẽ luôn đồng hành cùng với nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam”.

Cũng tại Hội nghị lần này, Agribank với vai trò chủ lực trong đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và một số doanh nghiệp cung cấp máy móc, vật tư nông nghiệp và kinh doanh nông sản nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản lúa gạo, trái cây, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, qua đó nâng cao được lợi ích, thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. 

Cụ thể, Agribank sẽ cung cấp các gói sản phẩm cho vay chuỗi cung ứng lúa gạo, trái cây, thủy sản, bao gồm dịch vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, cơ chế chính sách ưu đãi cho vay các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Agribank sẽ cung cấp các khoản tín dụng thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác; liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. 

Ngoài ra, sẽ giúp đa dạng hóa các hình thức cho vay tín dụng trong nông nghiệp, phù hợp với từng mô hình hợp tác liên kết khác nhau ở mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực sản xuất như lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn chuyên môn về quản lý và điều hành các nguồn vốn, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên các quỹ phát triển hợp tác xã, các hợp tác xã thực hiện hoạt động cung cấp tín dụng nội bộ. 

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC - Hậu Giang 2016, Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang và An Giang đã ký kết hợp đồng tín dụng với 02 doanh nghiệp là Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh (Phu Thinh Food) và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 200 tỷ đồng, tiếp tục thể hiện sự đồng hành của Agribank trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Với gần 30 năm đồng hành, gắn bó cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ĐBSCL đã trở thành một phần máu thịt và là địa bàn quan trọng đối với Agribank. Dư nợ cho vay của Agribank tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện chiếm khoảng 15% tổng dư nợ toàn hệ thống (chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tại khu vực), nguồn vốn Agribank đầu tư cho vay sản xuất, kinh doanh, tạm trữ lúa gạo, tháo gỡ khó khăn đối với nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, trong đó ưu tiên mục tiêu chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi, cây trồng; mở rộng và ưu tiên cho vay các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đối phó với diễn biến biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, ngập mặn gia tăng tại ĐBSCL.