Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết như vậy tại cuộc họp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID -19 với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chiều tối ngày 6/7.

2 phương án để lưu thông hàng hoá

Báo cáo tại cuộc họp lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đã thống nhất với các tỉnh lân cận về việc lưu thông hàng hóa với hai phương án: Đổi lái xe hoặc lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn thống nhất về giá trị thời gian kết quả xét nghiệm; sớm liên thông kết quả xét nghiệm lái xe trên toàn quốc thông qua mã QR code.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, với những trường hợp ra, vào TP Hồ Chí Minh cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày không phân biệt xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm RT-PCR. Những nơi có thể điều kiện thì áp dụng ngay QR code.

Hiện nay một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh đang thực hiện theo quy định này. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra vào những nơi, địa điểm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

“Việc xét nghiệm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế phải đảm bảo thuận lợi, không để không có nơi xét nghiệm hoặc xảy ra tình trạng tụ tập đông người”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID -19 lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát tốt người lao động trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương khác.

leftcenterrightdel
 “Việc xét nghiệm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế phải đảm bảo thuận lợi, không để không có nơi xét nghiệm hoặc xảy ra tình trạng tụ tập đông người”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý

Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển các phương tiện vận tải ra, vào TP, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hoá, kiểm soát nguồn lây.

“Chúng ta duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể trong tình hình dịch”, Phó Thủ tướng nói.

Ghi nhận 796 ca mắc COVID-19 tại 38 doanh nghiệp

Tính từ 6 giờ ngày 5/7 đến 6 giờ ngày 6/7, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 461 ca mắc COVID-19, trong đó có 105 ca phát hiện qua tầm soát sàng lọc tại bệnh viện; 73 ca đang điều tra, số còn lại phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 900 ca mắc COVID-19 qua xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng, chủ yếu là công nhân, người buôn bán ở các chợ đầu mối.

Trong ngày 6/7, TP Hồ Chí Minh siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội, trong đó, tạm ngừng hoạt động một số chợ đầu mối, chợ truyền thống… không bảo đảm an toàn phòng dịch.

Đáng chú ý, TP đã ghi nhận 796 ca mắc COVID-19 tại 38 doanh nghiệp, các lực lượng đang tập trung truy vết chuỗi lây nhiễm trong các khu nhà trọ công nhân, các chợ dân sinh, nơi tập trung đông người…

Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không đảm bảo tiêu chí phòng, chống dịch bệnh, không chia ca kíp hay giảm số lượng công nhân sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh việc test nhanh lại 2-3 ngày/lần với khu vực nguy cơ cao, 5-7 ngày/lần với khu vực có nguy cơ, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện khoảng 200.000 mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR/ngày; xét nghiệm sàng lọc định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao; lấy mẫu xét nghiệm đại diện gia đình, là những người có nguy cơ lây nhiễm cao…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP Hồ Chí Minh hết sức lưu ý công tác tổ chức, điều phối thống nhất trong lấy mẫu, xét nghiệm, chỗ nào trước, chỗ nào sau, bảo đảm lấy mẫu đến đâu xét nghiệm đến đấy, không để tồn đọng. Kết hợp xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, mẫu gộp tuỳ theo đánh giá mức độ nguy cơ từng khu vực, trên tinh thần tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh cũng phải chuẩn bị phương án, cách thức lấy mẫu, xét nghiệm mới phù hợp hơn trong thời gian tới đây.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết các nhóm kỹ thuật, chuyên gia tích cực triển khai hệ thống quản lý thống nhất lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả; cập nhật dữ liệu để phục vụ công tác truy vết, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh…

Cũng theo ông Đức, việc quản lý phân phối vaccine phòng COVID-19 được quản lý bằng công nghệ thông tin, phân bổ xuống tận các quận, huyện, tránh tình trạng tụ tập đông người khi tiêm vaccine như vừa qua.

Vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chiều nay, hơn 89.200 thí sinh đã đến 155 điểm thi để hoàn tất các thủ tục dự thi.

Công tác tổ chức thi được thực hiện bài bản, cán bộ, giáo viên, thí sinh tuân thủ nghiêm túc các quy định, khuyến cáo về công tác phòng, chống dịch. Các điểm thi đều xây dựng, triển khai phương án phòng dịch kỹ lưỡng, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đối với những thí sinh F0, F1 sẽ tham gia thi đợt sau. 

Hương Giang