Chiều ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân

Theo tờ trình của Chính phủ, có 5 nhóm đối tượng lấy ý kiến. Trong đó, có các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan Nhà nước, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu cũng là đối tượng lấy ý kiến.

Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Việc lấy ý kiến nhân dân thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, các cơ quan thông tin báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo luật và các hình thức khác phù hợp.

Chính phủ để nghị, thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.

Thẩm tra nội dung này, theo Ủy ban Kinh tế, thời gian lấy ý kiến nhân dân như đề xuất tại tờ trình là trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, 100% ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/3/202.

“Để bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án luật cũng như quy trình thẩm định, thẩm tra dự án luật, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án luật vào thời điểm sau ngày 20/4/2023”, ông Thanh nói.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng 

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thời gian lấy ý kiến ngắn, rơi vào dịp Tết nên cần xem lại. 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cần kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến giữa tháng 3, thậm chí hết tháng 3 cũng được. 

“Nội dung này rất quan trọng, về nguyên tắc tháng 5 mới diễn ra kỳ họp Quốc hội tiếp theo, tháng 10 mới thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên vẫn còn độ trễ về thời gian”, ông Cường nói. 

“Nhiều kênh” để tránh việc chỉ tổng hợp những ý kiến “thuận lợi cho mình”

Vấn đề nữa, liên quan đến đối tượng lấy ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, chúng ta hay nói xây dựng pháp luật thì “mọi quyết sách phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “nhân dân” có phải gồm người dân và doanh nghiệp không? 

Theo ông Vương Đình Huệ, đối tượng lấy ý kiến là người dân, doanh nghiệp cần được cụ thể hóa. Cạnh đó, cần xem cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức.

“Trong quy trình văn bản pháp luật nêu đăng tải trên cổng thông tin điện tử thì đôi khi đọc qua thấy êm, không vấn đề gì nhưng khi ban hành và tổ chức thực hiện hóa ra thế này, thế kia”, ông Huệ cho rằng, nên chăng 63 tỉnh, thành có hình thức như báo cáo viên nêu vấn đề hiện đang có vướng mắc thế này, đã bàn sửa thế nào, sửa như thế thì tác động ra sao.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo trong việc lấy kiến nhân dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm.

Còn Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu, theo tờ trình thì các báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi về Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp.

Ông đề nghị, cần có “kênh khác” nữa là phải gửi về Quốc hội để các ủy ban chủ động xem xét trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo luật. 

Theo ông Cường, điều này cũng tránh chuyện có thể có những ý kiến rất xác đáng, sắc sảo, cần thiết bổ sung nhưng không phù hợp với cơ quan quản lý Nhà nước nên không được đưa vào.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: P.Thắng

Chung quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, cần phải có “rất nhiều kênh” tổng hợp để bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân trung thực, khách quan, tránh việc “chỉ tổng hợp những gì thuận lợi cho mình”, dẫn đến lệch lạc. 

Ông Huy còn đề nghị có cơ chế phản hồi. “Quá trình chúng tôi xin ý kiến, các chuyên gia rất không bằng lòng vì không có cơ chế phản hồi, không minh bạch”, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho hay và nhấn mạnh, tất nhiên không thể trả lời cả nhưng phải có cơ chế nào đó để yêu cầu phản hồi, như vậy mới khuyến khích nhân dân góp ý kiến.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Trong đó, lưu ý bổ sung yêu cầu đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, công khai, minh bạch, tránh triển khai  hình thức; phát huy vai trò các cơ quan của Quốc hội trong tham gia tổng hợp ý kiến xây dựng luật…

Hương Giang