Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19 cho biết, kể từ 1-14/4/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 59 trường hợp mắc mới (chỉ bằng 40% so với 2 tuần trước đó), trong đó có 30 trường hợp tại khu cách ly và 29 trường hợp tại cộng đồng (chiếm gần 50% tổng số mắc).

Trong 14 ngày vừa qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội, 3 ngày đầu tiên (1-3/4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó chỉ ghi nhân số mắc mới trong khoảng từ 1-5 trường hợp mỗi ngày.

Trên cơ sở thảo luận và phân tích các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lây nhiễm, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia đi đến thống nhất nhận định, thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn; cần tiếp tục thực hiện ở các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao.

The báo cáo, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chia các tỉnh - thành thành 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Trong đó, nhóm "nguy cơ cao" có 12 tỉnh, TP gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Ban Chỉ đạo kiến nghị những tỉnh này tiếp tục thực nghiêm các nội dung của Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 ít nhất thêm 1 tuần (đến hết ngày 22/4).

Nhóm "có nguy cơ" gồm 15 tỉnh, TP: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Kiên Giang, Nam Định, Hải Phòng, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Bình Phước, Nghệ An, Lạng Sơn, An Giang.

Các tỉnh, thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu: Hạn chế và khuyến cáo. Việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ: Đóng cửa; hạn chế; khuyến cáo. Việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng: Tạm dừng; hạn chế; khuyến cáo. Việc tụ tập đông người: Không quá 2 người; không quá 10 người; không quá 20 người.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất kiến nghị, đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tỉnh trong cả nước phải thực hiện nghiêm chỉnh như: đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ… Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động.

Đến thời điểm này cả nước ghi nhận 267 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 13 trường hợp ghi nhận tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, không ghi nhận trường hợp mắc mới liên quan đến quán bar Buddha.

Có 171 trường hợp đã khỏi bệnh; các bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại 15 cơ sở khám, chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến rất nặng (số 20,91,161) đang được điều trị tích cực.

Trước đó, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia có một số phương án để ngày hôm nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các cơ quan xem xét cụ thể, đánh giá mặt phải, mặt trái, đặc biệt là nguy cơ có thể xảy ra nếu chúng ta không thực hiện nghiêm, nghiên cứu vấn đề giãn cách xã hội, cách ly xã hội.

"Đến ngày 15/4, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể thời gian cách ly như thế nào. Trước mắt, chúng ta tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 trong đó có vấn đề cách ly xã hội, để bảo đảm tính mạng, sức khoẻ của người dân. Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc để đạt kết quả như mong muốn", Thủ tướng nói.

Hương Giang