Sáng ngày 27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023, nhằm tổng kết công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà cùng nhiều lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội tham dự hội nghị.

Phát huy vai trò “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa hệ trọng, vừa cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả mục tiêu kép về phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Góp vào thành công chung nói trên, có đóng góp tích cực của công tác đối ngoại Quốc hội.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về đối ngoại và các cam kết quốc tế của Việt Nam; triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 

“Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước”, ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Thúc đẩy quan hệ với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực

Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại của đất nước.

Cùng đó, thúc đẩy quan hệ với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao nghị viện đa phương; nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ông Mẫn cũng đề nghị thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

leftcenterrightdel
"Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện" , ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ. Ảnh: Đ.X 

Nâng cao chất lượng tham mưu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại cũng như triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại trên kênh nghị viện, xác định trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ song phương, nâng tầm ngoại giao đa phương.

Nhiệm vụ nữa được Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị là nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đối ngoại trên cơ sở thường xuyên cập nhật quy định, hướng dẫn mới, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ để tham cho chắc, cho sắc.

“Tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị vững vàng; luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc; tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch; chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trong hai năm đầu của nhiệm kỳ, vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương vẫn diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Quốc hội đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất; tham gia tích cực các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới.

Từ đó, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. 

Hương Giang