Sáng ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Góp ý về quy định liên quan đến các cơ quan tư pháp, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp (ĐBQH đoàn Bắc Cạn) cho biết, dự thảo được chỉnh lý theo hướng đối với các vụ án dân sự thì tăng cơ bản thẩm quyền cho toà đặc khu.

Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử của toà án cấp tỉnh hiện nay sẽ được chuyển xuống cho toà án đặc khu giải quyết.

Với các vụ án hình sự thì dự thảo quy định toà án đặc khu có thẩm quyền xét xử các tội phạm đến 15 năm tù. Nữ ĐB nhận dịnh, như thế là phù hợp.

Song với các vụ án hành chính, nói nôm na là các vụ án “dân kiện chính quyền”, dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của toà án cấp huyện hiện nay.

“Như vậy, mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do toà án cấp tỉnh giải quyết, toà án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc này”, bà Nguyễn Thị Thuỷ đề nghị xem xét vấn đề này.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, cùng với sự phát triển năng động của các đặc khu cũng dự báo sự gia tăng lớn của các vụ án dân sự, vụ án hành chính như vụ án liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng của dự án...

Theo số liệu thống kê, từ 2015 đến nay, số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện bị khiếu kiện tới toà tăng mạnh, như Phú Quốc tăng gấp gần 2 lần.

Bà Thủy lưu ý, với quy định của dự thảo dẫn đến thực tế, toà án đặc khu có thể giải quyết vụ việc liên quan tới bắt giữ tàu bay quốc tế - loại vụ việc rất phức tạp, trong khi đó, lại không có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính với Chủ tịch UBND hành chính đồng cấp.

Cũng theo đại biểu đoàn Bắc Cạn, nếu lấy lý do cho rằng việc giao toà án đặc khu thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện với UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư khách quan thì sẽ không giải thích được việc luật hiện hành đang giao cho 63 TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện đối với quyết định của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Lập luận này cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng là cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy tư pháp.

Ngoài ra, quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí đi lại cho người dân và nhà đầu tư.

“Cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, như người dân ở Phú Quốc muốn đến Kiên Giang phải đi 120km đường biển. Theo nguyên tắc tố tụng, nếu bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo thì vụ án phải do toà án cấp cao giải quyết, trong khi cả nước chỉ có 3 toà cấp cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Như thế, sẽ rất khó khăn cho người dân, nhà đầu tư nếu tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, bà Nguyễn Thị Thủy phân tích.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho biết, khác với vụ án dân sự có thể uỷ quyền cho luật sư tham gia, trong vụ án hành chính, luật tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia toàn bộ giải quyết vụ án, nếu uỷ quyền thì chỉ đến Phó Chủ tịch.

Cho nên, chưa đầy 2 năm thi hành luật nhưng nhiều địa phương đề nghị sửa điều này vì số lượng Phó Chủ tịch khống chế từ 2-3 người như hiện nay thì về điều hành công việc đã quá tải nên không đủ thời gian vật chất để tham gia phiên toà.

Trong khi đó, các đặc khu được dự báo phát triển nóng thời gian tới, đòi hỏi người đứng đầu phải điều hành nhanh nhẹn, hiệu quả nhưng bắt buộc phải tham gia đầy đủ phiên toà thì có thể ảnh hưởng đến việc điều hành ở địa phương, mà nếu không tham gia phiên toà sẽ ảnh hưởng đến việc đối thoại, tranh tụng với người dân, làm tăng bức xúc của người dân.

“So sánh mối tương quan giữa hành pháp và tư pháp trong luật cho thấy còn khoảng cách rất lớn”, bà Lê Thị Thuỷ nhấn mạnh và lý giải, vì UBND và Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền từ các cơ quan nhà nước cấp trên. Cụ thể là 44 thẩm quyền ở tỉnh, 21 ở Bộ và 8 thẩm quyền của Thủ tướng.

Theo bà Thủy, nếu cơ quan tư pháp đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp hành chính với mình là chưa phù hợp nguyên tắc không dồn án cho cấp trên.

Bà cũng chia sẻ, khi đi tìm hiểu mô hình đặc khu một số nước được đánh giá thành công về mô hình đặc khu, khi được hỏi điều gì tạo nên sức hấp dẫn với nhà đầu tư tại nơi đây thì câu trả lời là ban đầu thì ưu đãi về kinh tế nhưng về lâu dài là ổn định chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh có đủ thẩm quyền, năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu.

“Đề nghị giao cơ quan tư pháp đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Các cơ quan tư pháp với thẩm quyền được giao phù hợp chính là những đảm bảo cần thiết cho việc vận hành cơ chế đặc thù tại đặc khu, thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận công lý”, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ nêu ý kiến.

Theo dự thảo, Tòa án đặc khu có cơ cấu tổ chức tương đương tòa án cấp huyện và có thể có các Tòa chuyên trách; về thẩm quyền, Tòa án đặc khu có thẩm quyền tương đương tòa án cấp huyện, đồng thời, được bổ sung thẩm quyền giải quyết phần lớn các vụ án, vụ việc đặc thù về dân sự, hành chính (bao gồm cả các vụ án, vụ việc có yếu tố nước ngoài mà theo pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của tòa án cấp tỉnh).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hộinhận thấy, mô hình tổ chức TAND đặc khu theo quy định của dự thảo là hợp lý, vì:

(1) bảo đảm sự tương thích, đồng bộ giữa tổ chức Tòa án và hệ thống các cơ quan tư pháp với tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu (có HĐND và UBND);

(2) phù hợp với quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp theo hướng tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện; đồng thời, phù hợp với đặc điểm của đặc khu (dự kiến chủ yếu sẽ phát sinh nhiều vụ án, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài);

(3) đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh chóng, thuận tiện đối với các tranh chấp phát sinh trên địa bàn đặc khu, đồng thời, không gây khó khăn, tốn kém về thời gian và chi phí cho các bên đương sự, tránh dồn quá nhiều vụ việc nhỏ, không phức tạp (vốn thuộc thẩm quyền giải quyết phúc thẩm của tòa án cấp tỉnh) lên giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án cấp cao, gây quá tải cho cấp Tòa án này;

(4) không gây xáo trộn lớn về cơ cấu tổ chức của Tòa án và hệ thống cơ quan tư pháp đã được quy định trong các luật hiện hành.

Hương Giang