Các bộ, ngành còn “ôm” việc

Theo Phó Thủ tướng, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng thẳng thắn là còn chậm.

“Chúng ta không phân bổ hết dự toán. Số tiền trong dự toán này Bộ Tài chính luôn đảm bảo, nhưng không tiêu được hết. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”, ông Huệ nói, “đây là trách nhiệm của Chính phủ” và hứa trước Quốc hội sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới.

Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là quan trọng và chủ yếu nhất.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nguyên nhân khách quan là Luật Đầu tư công có hiệu lực từ năm 2015 song thực hiện còn nhiều lúng túng từ ban hành văn bản đến thực hiện. Việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là việc làm chưa có tiền lệ cho nên chưa có kinh nghiệm nhiều.

Nhu cầu đầu tư công rất lớn. Kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt, “chốt” là 2 triệu tỷ đồng, trước đó đã phải cắt giảm khoảng 200 nghìn tỷ đồng, so với phương án Quốc hội dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2016.

Vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải mất rất nhiều thời gian để rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để cắt giảm. Cho nên tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng.

Còn nguyên nhân chủ quan, ông chỉ rõ, là do chậm trong rà soát, phát hiện để sửa đổi kịp thời những bất hợp lý trong văn bản hướng dẫn pháp luật về đầu tư công.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa kiên quyết trong rà soát cắt giảm theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội. Đó là phải đảm bảo thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước, ưu tiên dự án quan trọng cấp bách, dự án đối tác công tư (PPP), đối ứng cho dự án ODA, rồi mới đến các dự án mới.

“Các bộ, ngành giằng xé nhiều lựa chọn, việc nào cũng muốn, nên rất khó khăn trong cắt giảm dự án, mất công trong rà soát, điều chỉnh theo nguồn vốn cho phép. Việc phân cấp, phấn quyền chưa quyết liệt, chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng muốn ôm việc ở các bộ, ngành, thấy việc gì cũng quan trọng nên để bộ làm, chưa phân cấp cho cấp dưới”.

Phó Thủ tướng nói tiếp: “Sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương vẫn còn yếu, không thể biện minh hay chối cãi việc này trong nội bộ bộ, giữa bộ, ngành và địa phương. Một bộ phận công chức chưa đề cao trách nhiệm, còn nhũng nhiễu, yếu kém”.

Xử nghiêm cán bộ làm chậm trễ phân bổ, giải ngân vốn

Để đẩy nhanh việc xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã thường xuyên rà soát tình hình, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, trong các nghị quyết hàng tháng, đặc biệt là Nghị quyết 60 về thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công.

Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt do một Phó Thủ tướng đứng đầu trực tiếp chỉ đạo.

Đến nay đã cơ bản tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư; gắn trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, công khai minh bạch trách nhiệm nếu để xảy chậm trễ.

Theo Phó Thủ tướng, nhờ đó, kết quả chuyển biến tích cực. Riêng 5 tháng cuối năm 2016, tốc độ giải ngân bằng gần 3 lần so với 7 tháng đầu năm 2016. 5 tháng đầu năm 2017, đã giải ngân được 24,7% vốn đã giao, cao hơn cùng kỳ năm trước. Nhưng vẫn còn rất chậm!

Để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 2017, tại kỳ họp tháng 5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết mới về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bổ sung nhiều giải pháp mới, và Chính phủ quyết định duy trì tổ công tác đặc biệt đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát sửa đổi bổ sung các nghị định, thông tư về giải ngân vốn đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, tăng cường phân cấp mạnh mẽ và triệt để hơn nữa cho cấp dưới và cho địa phương.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, kiện toàn nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án, kịp thời thanh toán với Kho bạc nhà nước khối lượng đã hoàn thành, không để dồn vào cuối năm.

Đồng thời, rà soát đánh giá toàn diện những bất cập trong các nghị định, thông tư, kể cả pháp luật liên quan đến đầu tư công nếu cần thiết sẽ báo cáo QH để điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Phó Thủ tướng cho biết, đến thời hạn nhất định, bộ ngành nào đã có quyết định phân bổ mà chưa giải ngân được mức tối thiểu, Thủ tướng đã có chỉ đạo là sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho cắt giảm để đưa vào dự phòng chung, hoặc không phân bổ cho ngân sách 2018.

“Phải tăng cường kỷ luật kỷ cương mới có chuyển biến trong thời gian tới”, ông Huệ nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thường xuyên tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán xử lý nghiêm các cán bộ tham mưu dù ở cấp nào, làm chậm trễ quá trình phân bổ, giải ngân gây tiêu cực, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công.

Chính phủ cũng mong Quốc hội quan tâm, đôn đốc và thường xuyên giám sát với công tác này.

Thảo Nguyên