Án lớn phức tạp trả hồ sơ trên - dưới 40%

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp, tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữ TAND và Viện KSND đã giảm đám kể. Trong số 1.300 hồ sơ TAND trả yêu cầu điều tra bổ sung có 93% được Viện Kiểm sát chấp nhận.

Đáng lưu ý, số vụ án TAND trả hồ sơ cho Viện KSND yêu cầu điều tra bổ sung nhiều gấp gần 2 lần số vụ Viện KSND trả hồ sơ cho cơ quan điều tra yêu cầu điều tra bổ sung. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì luật cho phép nhưng không quá nhiều được. Nếu Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra thì thể hiện chất lượng điều tra và chất lượng công tố điều tra. Tòa trả hồ sơ cho Viện thì thể hiện chất lượng công tác truy tố.

Qua nhiều năm chúng ta xem, án phức tạp nhất là án trả hồ sơ nhiều lần, án mà cơ quan điều tra cấp Trung ương tiến hành điều tra, Viện KSND Tối cao tiến hành kiểm sát điều tra thì đây là loại án trả hồ sơ điều tra nhiều lần và tỷ lệ trả cao nhất, tầm trên - dưới 40%.

“Cũng có thể lý giải một phần là án lớn thì phức tạp. Nhưng thường án lớn phức tạp thì đội quân làm thường là cấp cao và tinh nhuệ. Đề nghị các đồng chí lý giải thêm để năm tới hạ bớt tỷ lệ này xuống được không”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay, trong nghiệp vụ, việc quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung là một động tác để làm rõ bản chất tội phạm, cần phải được xử lý mà giai đoạn trước làm chưa ra, nếu bỏ qua thì sẽ bỏ lọt tội phạm. Như vụ đánh bạc rất lớn, phải khoanh, tách ra mời làm được.

Mạnh tay đấu tranh tội phạm dễ oan sai

Vì sao án tham nhũng, kinh tế cứ bị trả đi, trả lại, theo ông Trí là do, đối tượng có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những quan hệ tác động khác. Đặc biệt là tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì chính cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật...

“Luật pháp vừa bảo đảm nghiêm minh về xử lý nhưng cũng phải bảo đảm quyền con người. Người ta đối phó giỏi thì đây là sự đấu tranh, hai đối thủ ngang ngửa nhau thì trận đấu kéo dài là chuyện bình thường”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao ví von.

Ông Trí nhấn mạnh: “Đối tượng như thế, nói kết thúc ngay được thì tôi xin thưa chỉ có không làm thôi, chứ làm thì phải trả đi, trả lại. Vừa rồi, chính nhờ trả đi, trả lại mà có những vụ án chúng ta xét xử được”.

Cho nên, theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, những con số đó không phải lúc nào cũng phản ánh một chiều mà bao giờ cũng có hai mặt.

“Trong lúc khó khăn, trả đi, trả lại để làm cho bằng được là tích cực. Còn dạng làm cho qua rồi trả tới, trả lui thì chúng ta triển khai xử lý trách nhiệm”.

Cũng theo ông Lê Minh Trí, trong đấu tranh tội phạm với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có đặc thù cần tiến công mạnh thì cũng cần phải mạnh tay. Mà mạnh tay thì dễ oan sai, còn thận trọng, cẩn trọng thì ít có oan, sai nhưng dễ lọt. 

“Muốn khám phá nhiều tội phạm thì phải mạnh tay, mà mạnh tay thì chính sách bồi thường nhà nước thế nào? Kỷ luật từng ngành thế nào? Đặt mình là kiểm sát viên hay điều tra viên mình có dám nhào tới không?”, Viện trưởng KSND Tối cao cho rằng, để đẩy kết quả tấn công tội phạm lên cao thì phải có chính sách an toàn cho anh, em.

“Chống oan sai và chống bỏ lọt luôn đi kèm với nhau”

“Tôi hết sức tâm huyết và có trách nhiệm nói như vậy. Tôi có thể suy nghĩ giải quyết vấn đề này nhưng công an, tòa cũng phải đồng bộ để anh em yên tâm làm”, ông Trí đề xuất, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết chống lọt tội phạm, vì lọt là mầm mống của tiêu cực.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, vừa qua, luật mới ban hành rất nhiều nhiệm vụ, rất nhiều yêu cầu, áp lực lên cán bộ của cả cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa rất ghê gớm.

“Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đè nặng lên trách nhiệm của anh, em như thế nhưng yêu cầu chống oan sai và chống bỏ lọt rất cao”, ông Trí cho rằng, chỉ nên xử những vụ cố lý làm trái, làm sai pháp luật. Chứ, “1 năm 10 vụ, anh em làm tốt 9 vụ, chỉ 1 vụ rủi ro mình cũng trừ thi đua, thậm chí tới khi bổ nhiệm kiểm sát viên gạt luôn thì không có động lực làm việc”.

Nghe vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại, trả hồ sơ điều tra bổ sung luật cho phép, nhưng không thể nói là trả nhiều lần và trả thoải mái.

“Trả hồ sơ những án nghiêm trọng, phức tạp tới hơn 40%, liên tục các năm như thế, nếu đồng chí Viện trưởng là cơ quan thẩm tra thì sẽ nói thế nào với cử tri và Quốc hội”, bà Nga nêu.

Cũng đồng ý “tấn công tội phạm thì phải có biện pháp bảo vệ cho anh em”, nhưng theo bà Nga, Bộ luật Hình sự cũng có những điều loại trừ trách nhiệm của cán bộ tố tụng trong những trường hợp nhất định.

“Chống oan sai và chống bỏ lọt luôn đi kèm với nhau. Nếu mình là gia đình có người bị oan sai, chúng ta có chấp nhận việc để tấn công tội phạm mà cho phép oan sai không”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi.

Sáng ngày mai (5/9), theo chương trình, Ủy ban Tư pháp tiếp tục thảo luận cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; công tác thi hành án năm 2018; các báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Hương Giang