“Ngày 23/5/2017, Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản các đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, bà Thủy cho biết. Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Còn các đối tượng khác, Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc căn cứ quy định này để quy định việc kiểm tra, giám sát đối tượng thuộc diện cấp ủy mình quản lý để bảo đảm việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản hiệu quả.

3 trường hợp tiến hành kiểm tra, giám sát

+ Có ý kiến cho rằng, lâu nay, kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản còn hạn chế. Quy định mới này có khắc phục được tình trạng này không, thưa bà?

- Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, chứ không phải chưa kiểm tra, giám sát.

Có kiểm tra, giám sát rồi, nhưng chưa thành hệ thống bài bản.

Quy định của Bộ Chính trị đã quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Còn chủ thể giám sát đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt.

Cấp dưới cũng có quy định tương tự như vậy.

+ Trong trường hợp nào thì tiến hành kiểm tra, giám sát?

- Có 3 trường hợp.

Thứ nhất, là khi có kế hoạch. Từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch kiểm tra như thế nào, giám sát như thế nào khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tức là, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu, cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này vì lý do như thế này. Đối tượng thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm.

Thứ hai, là khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực.

Thứ ba, là khi có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

+ Có bao nhiêu đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý chịu sự điều chỉnh của quy định mới này?

- Con số chính xác thì Ban Tổ chức Trung ương. Nhưng cũng có khoảng 1 nghìn cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Công khai kết quả để nhân dân biết

+ Diện kiểm tra, giám sát rộng như vậy, hàng năm khi xây dựng kế hoạch có đặt ra chỉ tiêu như kiểm tra, giám sát bao nhiêu % không?

- Sau khi có quy định này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch như thế nào, thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền như thế nào, xử lý kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo như thế nào, khi có dấu hiệu vi phạm như thế nào…

Có nghĩa, sẽ có một hướng dẫn cụ thể để trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như thế nào.

Tôi cho rằng, kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc trong 1 năm không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề là, các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, có đơn thư phản ánh việc kê khai không trung thực thì được kiểm tra xem xét ngay, kịp thời.

+ Sau kiểm tra, giám sát phát hiện có việc kê khai tài sản không trung thực thì xử lý như thế nào?

- Nếu kê khai tài sản không trung thực thì được xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Ở góc độ Đảng, hiện đang sửa Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 về Quy định xử lý kỷ luật Đảng viện vi phạm. Trong đó, sẽ có điều khoản quy định nếu kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời sẽ xử lý theo điểm nào, khoản nào. Sau này ai vi phạm cái gì sẽ áp vào như lâu nay chúng ta xử lý cán bộ vi phạm.

Còn quy định của Nhà nước, tới đây sửa Luật phòng chống tham nhũng cũng sẽ nói rõ. Chính phủ cũng sửa nghị định về kỷ luật cán bộ

+ Kết luận kiểm tra, giám sát này có được công khai, rộng rãi không?

- Toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản thực hiện theo đúng như là quy trình kiểm tra giám sát của Đảng.

Sau khi làm xong, Ủy ban Kiêm tra Trung ương sẽ có thông cáo, công khai rất đầy đủ để trên cơ sở đó các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi; đồng thời để các tổ chức, cá nhân, nhân dân biết có việc như thế.

+ Sau khi ban hành quy định này, việc kiểm tra việc kê khai tài sản khi bổ nhiệm cán bộ thì như thế nào, thưa bà?

- Quy trình kiểm tra việc kê khai tài sản khi bổ nhiệm cán bộ đã có rồi. Các cơ quan, tổ chức đã làm rồi thì bây giờ vẫn tiếp tục làm bình thường, chứ không phải vì có quy định mới này mà thay đổi.

Quy định mới này chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát khi có 3 trường hợp mà tôi đã nói ở trên.

Vụ ở Lào Cai chưa xác định được đối tượng thuộc diện ai quản lý

+ Vừa rồi, dư luận, báo chí phản anh về phố biệt thự “kim cương” của cán bộ ở Lao Cai. Với quy định mới này, Ủy Ban kiểm tra Trung ương có vào cuộc kiểm tra không, thưa bà?

- Thông tin báo chí phản ánh thuộc trường hợp khi có phản ánh, kiến nghị, đơn thư tố cáo. Vấn đề quan trọng là đối tượng này thuộc diện ai quản lý.

Khi xác định được đối tượng thuộc diện ai quản lý thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải làm vì có thông tin, dư luận phản ánh.

Trường hợp ở Lào Cai, báo chí phản ánh khu phố đó, có 6 biệt thự như thế nhưng chưa xác định được chủ thế, nghĩa là chưa xác định được đối tượng đó thuộc diện cấp nào quản lý.

Nếu đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chắc chắn là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, còn thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo làm.

Việc này phải bám sát theo thẩm quyền. Đó cũng là lý do, quy định mới của Bộ Chính trị chỉ mới giới hạn trong diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và thực sự có hiệu quả, thực chất, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý được những trường hợp có sai phạm. Đối tượng rộng quá mình làm không hiệu quả thì không được.  

+ Giả sử vụ ở Lào Cai, đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng không chỉ đạo kiểm tra, giám sát thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương có vào cuộc hay có chỉ đạo gì không?

- Ở mỗi địa bàn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều có cán bộ chuyên quản ở đó, người ta sẽ có trách nhiệm trao đổi với các lãnh đạo ở đấy là việc như thế này, thông tin như thế này thì tỉnh phải minh bạch và trả lời các phương tiện thông tin đại chúng biết sự việc đó như thế nào.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thảo Nguyên