KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) hoạt động từ năm 2000 nhưng chỉ có 1 khu chợ cũ phục vụ cho 10.000 dân địa phương đồng thời “cáng” thêm 25.000 LĐ. Chính vì thế, đường vào thôn Bầu dài chưa đầy cây số nhưng có cả trăm quầy hàng đủ loại từ thịt, cá, rau củ quả, đồ khô, hàng ăn đến những hàng hóa là nhu yếu phẩm không rõ nguồn gốc.

Chợ tạm họp trên đất trống, ngay sát đường lớn được công nhân ở đây quen gọi lại chợ “thịt ế”. Những chiếc xe máy cũ kỹ, hoen rỉ chở những thùng đầy thịt gà, thịt bò, thịt lợn ngổn ngang bên đường. Khu chợ có gần 30 hàng thịt các loại, nhưng chỉ họp chóng vánh trong mấy tiếng buổi chiều. Thịt được bày bán ngay trên những tấm áo mưa hay bao tải đặt dưới nền đất.

Do giá rẻ nên từ lâu chợ “thịt ế” vẫn níu chân nhiều LĐ.

Chị Tuyết, 28 tuổi, công nhân Cty TNHH Nissei (KCN Bắc Thăng Long) cho biết: “Chọn mãi mới được hàng thịt còn tươi một chút. Thịt ở đây toàn là thịt ế từ nội thành Hà Nội, buổi sáng bán không hết nên mang về bán rẻ. Lương công nhân tháng được hơn 2 triệu đồng, không khéo chi tiêu thì chả còn lại bao nhiêu”.

Tại các KCN Sài Đồng, Phú Thị (huyện Gia Lâm), Nội Bài (huyện Sóc Sơn), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)... chợ tạm cũng luôn trong tình trạng quá tải và chất lượng hàng hóa không bảo đảm. Ruồi, muỗi, mùi thức ăn bốc lên. Nền chợ là đất nên mưa thì lầy lội, nắng thì bụi. Sau buổi làm việc, công nhân chỉ cần mua được thực phẩm rẻ chứ không quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm…

Theo ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung, huyện Đông Anh: Hầu hết những người bán hàng đều là dân di cư nên chính quyền sở tại chỉ có thể quản lý về an ninh trật tự, còn hàng hóa không nhãn mác, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh thì nằm ngoài chuyên môn và thẩm quyền.

Cũng theo ông Khang, UBND xã Kim Chung đã mạnh dạn lập dự án đề nghị xây dựng chợ dân sinh với diện tích 1ha nằm trên thôn Hậu Dưỡng phục vụ cho 35.000 người trong khu vực. Tuy nhiên, sau nhiều năm kiến nghị, dự án vẫn chưa được triển khai.

Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã phát đi thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu về định hướng quản lý, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện thị xã kiên quyết không để chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động làm mất an toàn giao thông, gây mất vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và mỹ quan đô thị… Tuy nhiên, văn bản lại chưa đề cập đến chợ cho công nhân tại các KCN, KCX cũng nằm trên địa bàn Thủ đô.

Thiết nghĩ, các cơ quan hữu trách, hệ thống công đoàn tại các KCN, KCX cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho công nhân để họ có điều kiện mua bán tại các khu chợ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Nguyễn Nhuần