Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 28/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết phần lớn các chỉ số được đánh giá định kỳ 1 năm hoặc 2 năm của các tổ chức quốc tế đều ghi nhận sự tiến bộ rõ về điểm số tuyệt đối và cải thiện thứ hạng của Việt Nam.

Trực tiếp nhất là thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20 bậc (từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019). Cùng đó, xếp hạng Năng lực cạnh tranh được thay đổi cách đánh giá từ năm 2018 thành Năng lực cạnh tranh 4.0, khi đó Việt Nam đứng thứ 77 nhưng một năm sau vị trí của Việt Nam đã tăng 10 bậc lên thứ 67.

Đáng chú ý, năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, từ thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 vào năm 2019. Xếp hạng hiệu quả logistics tăng 25 bậc (từ thứ 64 năm 2016 lên thứ 39). Xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc (từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2020).

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong các bộ chỉ số, các bảng xếp hạng quốc tế đó, có không ít chỉ số, tiêu chí cụ thể của Việt Nam ghi nhận những tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, từ thứ 108 (năm 2015) lên thứ 27 (năm 2019). Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội tăng 59 bậc, từ thứ 168 (năm 2015) lên thứ 109 (năm 2019)...

Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc (từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020). Đây là bộ chỉ số được Liên hợp quốc xây dựng, đánh giá dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169 mục tiêu cụ thể).

Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn cho rằng vẫn còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp, hầu như không được cải thiện về thứ bậc. Đơn cử như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng thứ 122; Rào cản phi thuế quan đứng thứ 121; Bảo vệ hệ sinh thái bền vững đứng thứ 110; Đăng ký tài sản thứ 106; Bảo vệ sở hữu trí tuệ thứ 105....

“Thực tế những năm qua cho thấy Bộ, ngành nào chủ động, quyết tâm thì các chỉ số được cải thiện rõ ràng hơn và ngược lại. Tới đây, việc cải thiện vị trí càng khó và đòi hỏi nỗ lực cao hơn vì các quốc gia, nên kinh tế khác cũng rất chú trọng công tác này,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Năm 2021 sẽ là năm bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, vì vậy Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 02/CP năm 2020 đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu cụ thể.

Theo đó, Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều so với các Nghị quyết trước đây, khẳng định tiếp tục thực hiện động bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020 đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác.

Cụ thể, 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm: Cấp phép xây dựng (A3), Đăng ký tài sản (A7), Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9), Giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10), Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3), Ứng dụng công nghệ thông tin (B5), Chất lượng đào tạo nghề (B6).

Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Chất lượng hành chính đất đai; Chất lượng đào tạo nghề; Kỹ năng của sinh viên; Rào cản phi thuế quan; Đăng ký phát minh sáng chế; Kiểm soát tham nhũng; Mức độ tiếp cận công nghệ thông tin; Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến; Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức và Môi trường trong bền vững sinh thái./.
Theo Xuân Quảng-Mạnh Hùng/Vietnam+