Quốc hội dành trọn 1 ngày hôm nay (29/5) để nghe và thảo luận trên hội trường về báo cáo giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập đến Quỹ Vaccine phòng Covid- 19. Theo ông, quỹ này đã huy động được hơn 10,6 nghìn tỷ đồng; đã chi mua vaccine hơn 7,6 nghìn tỷ đồng, hiện còn dư hơn 3 nghìn tỷ đồng. 

Kể lại việc hình thành quỹ này, ông Hồ Đức Phớc cho hay, khoảng 21h, Thủ tướng gọi điện cho ông hỏi có thể thành lập Quỹ Vaccine không? Ông báo cáo với Thủ tướng là “thành lập được”. 

“Ngay đêm hôm đó, chúng tôi triệu tập họp, phân công nhiệm vụ cho các cục, vụ triển khai xây dựng quy chế thành lập Quỹ Vaccine. Đồng thời giao Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng Thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ Vaccine phòng Covid-19 Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhớ lại.

Sáng hôm sau, các tài liệu này đã được “đặt trên bàn của Thủ tướng”. Ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, nhờ thành lập quỹ nên chúng ta có gần 11 nghìn tỷ đồng để chủ động mua vaccine. “Đây là một thành công”, ông nói.

Bên cạnh thành lập Quỹ Vaccine, ông Phớc cho biết, với hàng viện trợ đã áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau để đảm bảo “chống dịch như chống giặc”, đảm bảo cứu người dân bị nhiệm Covid-19.

“Có những đêm, Thủ tướng chủ trì họp đến 2h sáng. 1h sáng tôi mỏi quá về trước, đến giữa đường thì Thủ tướng gọi tôi phải quay trở lại. Họp đến 2h sáng mới hoàn thiện được cơ chế chính sách, quay trở về ngủ thì gần sáng luôn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhớ lại và khẳng định, “Chính phủ rất quyết liệt trong chống dịch”.

Khi Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội ra đời vào ngày 11/1/2022, ông Hồ Đức Phớc cho biết, chỉ sau 17 ngày, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế, có hiệu lực vào ngày 1/2/2022.

“Chỉ 20 ngày từ khi có nghị quyết của Quốc hội đã có nghị định để thực hiện ngay lập tức các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông nói.

Bộ trưởng khẳng định, giai đoạn đó, tất cả các ngành đều tập trung vào chống dịch để cứu dân, cứu người, để phục hồi kinh tế.

“Bản thân chúng tôi tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra ở TP HCM, Bình Dương. 4 bộ trưởng chúng tôi về đến Sân bay Tân Sơn Nhất gần như không có gì ăn, phải nói với anh em đi tìm mỳ tôm. Sau hơn 1h đồng hồ, 4 bộ trưởng được 4 gói mỳ tôm, ăn xong lên máy bay về đến nhà vừa khuya”, ông Hồ Đức Phớc nhớ lại.

Đãi ngộ với ngành Y sẽ có chính sách đặc biệt

Thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc tình trạng bác sỹ, cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển việc; từ đó đề nghị quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng.

Giải trình rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định thành công của công tác phòng chống dịch có vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định, của mô hình y tế dự phòng, y tế cơ sở và đóng góp của nhân viên y tế.

Cũng từ đại dịch, theo bà Trà, còn nhiều khó khăn liên quan đến tổ chức bộ máy y tế dự phòng, y tế cơ sở; trong đó có mặt chưa đồng bộ, chưa thống nhất cả về mô hình tổ chức và quản lý. Nhân lực y tế còn bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu.

Đề cập giải pháp giải quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án về nguồn nhân lực y tế khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, chiến lược trong tình hình mới. 

“Điều này rất quan trọng vì trong số hơn 39.000 viên chức nghỉ việc thời gian qua, có tới 25% nhân sự ngành y tế”, bà Trà nêu thực tế.

Bà Trà cho rằng, cần đánh giá toàn diện tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng xây dựng mới, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để ổn định mô hình, bộ máy; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của tổ chức này. 

Với Bộ Nội vụ, bà Trà khẳng định sẽ phối hợp với các bộ hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung, y tế dự phòng và cơ sở nói riêng, đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. 

“Quan điểm của Đảng là ngành Y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng phải đảm bảo chính sách đặc biệt”, theo lời Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Ngoài ra, bà Trà nhấn mạnh, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách tuyển dụng, đào tạo cũng như sửa quy định liên quan cơ chế tự chủ, xã hội hoá, cơ chế đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp; xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm, theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng miền.

“Không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với y tế cơ sở”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói rõ.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện các chính sách cho cán bộ y tế, ưu đãi nghề và bảo hiểm y tế.

Liên quan đề xuất chuyển Covid-19 từ bệnh nhóm A sang nhóm B, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đang phối hợp cùng các bộ, ngành rà soát các quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn phòng chống dịch của Việt Nam. Bộ Y tế đã chủ trì cùng các bộ, ngành xây dựng hồ sơ phân loại để chuyển từ bệnh nhóm A sang nhóm B và chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19.

“Dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng sẽ chỉ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 tập trung bàn thảo các nội dung liên quan đến nội dung này. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19và đề xuất đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới”, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan.

Để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, bà Lan nêu rõ Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội Luật Đấu thầu, Luật Giá. Hiện Bộ đang tiếp tục chuẩn bị hồ sơ trình Luật Dược sửa đổi... 

Hương Giang