Tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 30.000ha cây ăn trái; trong đó, huyện Kế Sách là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn của tỉnh với hơn 15.000ha. Trước diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, nhà vườn của huyện Kế Sách đã nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn đến vườn cây ăn trái.

Theo ông Đoàn Văn Tám ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa, hạn mặn năm nay diễn biến nghiêm trọng, các con sông có lúc mặn lên đến hơn 2‰. Nhờ sự chủ động sớm, có phương án trữ nước ngọt, đảm bảo cho quá trình sản xuất nên hàng chục gốc sầu riêng của gia đình ông Tám phát triển rất tốt. Dự kiến sẽ cho thu hoạch trong vài ngày tới với sự phấn khởi về giá bán lẫn năng suất, dù tỉnh Sóc Trăng đang bước vào thời kỳ cao điểm của tình hình hạn mặn mùa khô 2020 này.

Ông Đoàn Út Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi 1, xã Xuân Hòa cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 3.200ha trồng cây ăn trái các loại; trong đó, nhiều nhất là vú sữa, sầu riêng… Trước diễn biến của tình hình hạn mặn được ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương dự báo là gay gắt trong niên vụ sản xuất 2019-2020, ngay từ đầu vụ sản xuất, các thành viên của hợp tác xã với 25 thành viên, có trên 30ha diện tích trồng sầu riêng đã chuẩn bị tốt về phòng chống hạn, mặn như tích cực trữ nước ngọt, nạo vét các ao mương trong vườn, trang bị máy đo độ mặn để kịp thời theo dõi và chủ động trong việc ứng phó.

Còn tại huyện Mỹ Xuyên - một trong những địa phương chuyên canh cây màu lớn của tỉnh Sóc Trăng, dù đang trong cao điểm mùa khô nhưng nông dân trồng màu tại các xã như: Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú… vẫn yên tâm sản xuất và có nguồn thu nhập ổn định từ cây màu.
 
Năm nay, theo khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân trên địa bàn các địa phương này đã chủ động sản xuất theo hướng 2 vụ ăn chắc, không sản xuất vụ 3, tiếp tục gắn với cây màu để đảm bảo thu nhập. Đặc biệt hơn, nhờ có nhiều kinh nghiệm trong canh tác màu nên các vườn rau của người dân phát triển rất tốt, giá lại đang ổn định.
 
Bà Nhâm Thị Phan ở ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn chia sẻ, năm nay, gia đình trồng được hơn 1 công (1.000m2) hẹ để lấy bông, nhờ hẹ bông có giá nên các hộ trồng thu nhập ổn định. Với giá trên 20.000 đồng/kg vào thời điểm mùa mưa và trên 40.000 đồng/kg như thời điểm hiện tại, các hộ trồng hẹ bông sẽ ổn định cuộc sống. Trung bình, mỗi công hẹ, nếu chăm sóc tốt, có thể cho thu hoạch được trên 40kg bông cho mỗi lần thu hoạch trong mùa mưa và khoảng 5-10 kg trong mùa nắng.
 
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp trong việc duy tu, nạo vét và sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi, nên nguồn nước ngọt luôn được tích trữ tối đa, giúp cho nông dân trên địa bàn tỉnh yên tâm hơn trong mỗi vụ sản xuất. Đặc biệt là trong những tháng mùa khô, khi vụ 3 không sản xuất nữa, nông dân chủ động đưa cây màu xuống chân ruộng; trong đó, cây dưa hấu được nông dân Sóc Trăng chọn trồng từ nhiều năm qua.

Anh Sơn Thu ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú chia sẻ, thay vì mùa khô bỏ đất trống không làm gì, thì trong mấy năm qua, gia đình luôn đưa màu xuống chân ruộng, chủ yếu là dưa hấu, bởi trồng dưa hấu nhẹ vốn, thu nhập lại ổn định, nguồn nước tưới tiêu được đảm bảo, thời gian trồng ngắn ngày hơn cây lúa. Đặc biệt là trồng dưa hấu không phải hồi hộp canh con nước mặn ngọt như làm lúa. Vụ này, gia đình anh Sơn Thu trồng được hơn 2.000m2 dưa hấu, dự kiến chừng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch.
 
Theo anh Sơn Thu, mỗi công dưa hấu nếu cho năng suất tốt từ 3-4 tấn, giá bán khoảng 4.000 đồng/kg thì trung bình nông dân sẽ thu lãi từ 5-10 triệu đồng. Mức lãi cực hấp dẫn cho những tháng nông nhàn mùa khô.
 
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là một trong những tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Niên vụ 2019-2020, dựa trên các thông tin dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã có sự chủ động từ cuối năm 2019; đặc biệt là sự tập trung cho vụ lúa Đông Xuân 2019-2020.
 
Trong năm, nhiều chuyến công tác của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến Sóc Trăng và tỉnh Sóc Trăng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao trong sự chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
 
Kết quả, trong vụ Đông Xuân chính vụ, tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại không đáng kể. Chỉ có vụ Đông Xuân muộn (còn gọi là lúa vụ 3) thì bị thiệt hại, do nông dân chủ động “xé rào” sản xuất, không theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Còn đối với cây ăn trái, đến nay, cơ bản vẫn đảm bảo được nước tưới tiêu. Ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các trạm thủy nông từ tỉnh đến cơ sở, cùng với nông dân tranh thủ trữ lại các nguồn nước ngọt hiếm đổ về từ dòng Mê Kông; cũng như áp dụng các phương pháp tưới nhỏ giọt để làm sao hạn chế được mức thấp nhất về thiệt hại trong thời gian sắp tới. Còn về giải pháp tổng thể và lâu dài, phải tích cực trong việc tích trữ nguồn nước ngọt.

Theo đó, trong thủy lợi nội đồng, tỉnh Sóc Trăng sẽ cải tạo và nâng các tuyến kênh cấp 3 thành kênh cấp 2, kênh cấp 2 thành kênh cấp 1 và kênh cấp 1 nâng lên thành tuyến kênh tạo nguồn để việc trữ nước được nhiều hơn, mang lại hiệu quả lớn và bền vững cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chanh Đa