Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lo “chết yểu“ vì những điều kiện kinh doanh

Thứ bảy, 10/09/2016 - 09:26

(Thanh tra) - Sau khi Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí của Chính phủ có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) gas vừa và nhỏ - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các điều kiện kinh doanh của Nghị định - cho rằng họ đang bị làm khó.

Ảnh: http://dangkydoanhnghiep.net.vn/

Các DN có quy mô kinh doanh lớn thì mong muốn giữ nguyên các điều kiện kinh doanh trong Nghị định. Lý giải về điều này, ông Trương Văn Xoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Lào Cai nói: "Họ (DN quy mô lớn - PV) mong muốn giữ lại các điều kiện kinh doanh hà khắc bởi đang có đầy đủ các điều kiện đó nên không ảnh hưởng gì. Mà còn là cơ hội để họ bung ra thống lĩnh thị trường và dễ dẫn đến việc thao túng thị trường".

Bởi, Nghị định trên đã quy định thêm nhiều điều kiện kinh doanh và nhiều giấy phép hơn so với Nghị định số 107/2009/NĐ-CP, dẫn đến hầu hết các DN đang kinh doanh hoàn toàn bình thường, hợp pháp trong lĩnh vực này không đủ điều kiện để được tiếp tục kinh doanh.

Còn phía các DN nhỏ, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các điều kiện kinh doanh của Nghị định thì cho rằng đang bị làm khó.

Với quy định điều kiện quy mô kinh doanh quá lớn, với quá nhiều điều kiện, như: Thương nhân phân phối LPG phải “có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300m3”; có số lượng chai LPG “thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000L”, “phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân”; có “cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải”; “có tối thiểu 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh LPG”;…

Một đại diện DN kinh doanh gas tại Cao Bằng bức xúc nói: Các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các DN nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các DN đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế nói chung và cho khoảng 35 DN vừa và nhỏ nói riêng đang kinh doanh gas. Nếu các DN này phải chấm dứt kinh doanh, thì sẽ có trên 1.000 lao động vùng sâu, vùng xa mất việc làm. Còn các DN này muốn tiếp tục kinh doanh, thì phải đáp ứng được các điều kiện trên, tức là bình quân mỗi DN sẽ bắt buộc phải chi thêm khoảng 25 - 30 tỷ đồng, để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp lại giấy phép kinh doanh, mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ước tính tổng số tiền mà các DN phải chi chỉ để xin lại và duy trì giấy phép lên tới 35 triệu USD.

Đại diện 1 DN gas cho biết: Quy định trên đã vi phạm quy định tại khoản 2 về “phân biệt đối xử giữa các DN”, khoản 4 về “các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN”, Điều 6 về “các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý Nhà nước”, Luật Cạnh tranh năm 2004. 

Đồng thời việc này còn đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển DN nhỏ và vừa; ưu tiên cho phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích sử dụng khí gas để hạn chế việc đun củi, phá rừng.

Ngoài ra, quy định trên còn có nguy cơ gián tiếp gây ra vi phạm quy định tại Điều 11 về “DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường”, Luật Cạnh tranh năm 2004, về “hạn chế cạnh tranh” và “cạnh tranh không lành mạnh”, do tạo ra một số ít các DN “thống lĩnh thị trường”, thậm chí dẫn đến “vị trí độc quyền” và “có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể” tại một địa bàn, nhất là ở các tỉnh miền núi, hải đảo khó khăn.

Mới đây, trong Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/5/2016 “về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020”, có nêu mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.”

Nghị quyết với tinh thần “xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần bảo đảm các nguyên tắc sau”: Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến DN; Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh; Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang phát đi những thông điệp mạnh mẽ để thúc đẩy và hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh góp phần đưa nền kinh tế nước nhà lên một tầm cao mới. Cho nên, những hạt sạn trong cơ chế chính sách gây cản trở cho sự phát triển của cộng đồng DN cần sớm được loại bỏ.

Thành Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm