Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị phải thi hành xong tiền phạt và án phí mới được xét đặc xá

Thứ bảy, 15/09/2018 - 10:01

(Thanh tra) - Tại hội thảo góp ý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/9, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, phải thi hành xong tiền phạt và án phí mới được xét đặc xá.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: CN

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) được xây dựng gồm 6 chương và 40 điều quy định một số nội dung quan trọng về thời điểm đặc xá; đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; các trường hợp không đề nghị đặc xá; thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong hoạt động đặc xá…

Dự án luật cũng quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá…

Tại hội thảo, đa số đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể về khái niệm sự kiện trọng đại trong thời điểm xét đặc xá để xây dựng kế hoạch thực hiện đặc xá, cũng như đề cao tính công khai, minh bạch trong việc xác định các tiêu chí đối với những trường hợp đặc biệt được quyết định đặc xá.

Đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo Luật cần thêm một điều về đơn xin đặc xá; cần thẩm định hồ sơ đặc xá, kiểm tra và duyệt hồ sơ đặc xá trình Chủ tịch nước ký đặc xá, cũng như cần xác định làm rõ thêm vai trò của Viện Kiểm sát và vai trò của gia đình đối với người đặc xá…

Theo luật sư Nguyễn Bảo Trâm, không nên quy định thời điểm đặc xá cụ thể là vào ngày cụ thể nào, sẽ dẫn đến sự bị động cho việc thực hiện Luật, mà nên trao quyền cho Chủ tịch nước quyết định cụ thể.

Về người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Lê Quang Hào (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần giới hạn người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại. Theo đó, các trường hợp phạm tội liên quan đến an toàn tính mạng của nhân dân, xã hội; an toàn và ổn định của xã hội thì không thuộc trường hợp được xem xét đặc xá trong trường hợp đặc biệt…

Theo đại biểu Lê Nhật Bình (Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh), người được đề nghị đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. “Quy định này nhằm nêu cao vai trò trách nhiệm của những người lập hồ sơ đề nghị xét đặc xá, cho nên cần đưa quy định này vào Dự thảo Luật Đặc xá”, đại biểu Lê Nhật Bình nhấn mạnh.

Về trách nhiệm của UBND các cấp, cơ quan, chức năng có liên quan, đại biểu Vũ Thị Thu Lan (Công an TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung một khoản quy định công tác phối hợp của UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan với Công an, cũng như giữa các địa phương, khi người được đặc xá chuyển từ địa phương này đến địa phương khác cư trú nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này…

Theo đại biểu Lan, nếu thực hiện tốt công tác quản lý sẽ giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo công ăn việc làm, phòng ngừa tái phạm.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị không đặc xá đối tượng mà Bộ luật Hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện; mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù, người đang thi hành án treo; phải thi hành xong tiền phạt và án phí mới được xét đặc xá…

Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm