Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần quy định thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể người khi phạm nhân có nguyện vọng

Thứ bảy, 06/10/2018 - 16:16

(Thanh tra)- Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, nhiều ý kiến đề xuất cần quy định thêm điều khoản về các thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể người khi phạm nhân có nguyện vọng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: CN

Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định một số nội dung quan trọng như: Tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; thi hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại…

Tại hội thảo, đa số đại biểu cho rằng, Dự án Luật là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 trong Luật Thi hành án hình sự; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

Một số đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo nên rà soát có quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc bảo vệ quyền của phạm nhân, quy định việc nghiêm cấm xâm hại phạm nhân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em để ngăn ngừa các nguy cơ xâm hại từ các phạm nhân khác cũng như những đối tượng khác…

Theo đại biểu Lê Nhật Bình (Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh), Điều 75 Dự thảo Luật quy định chưa chặt chẽ nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Cần bổ sung thêm các nghĩa vụ của án phạt cải tạo không giam giữ được thực hiện từ khi Toà tuyên án phạt cải tạo không giam giữ đến khi chấp hành xong án phạt và được xoá án tích, để khi người chấp hành án vi phạm sẽ có chế tài để xử lý.

Đại biểu Trần Quốc Tú (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) góp ý: Tại Khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Luật có khái niệm “phạm nhân là người nước ngoài” cho tương thích với quy định của Luật Quốc tịch năm 2008. Theo đó, người nước ngoài theo Luật Quốc tịch được xác định là người có quốc tịch nước ngoài.

Cần rà soát quy định về thủ tục liên quan đến yếu tố nước ngoài theo hướng có nhóm thủ tục riêng cho người không quốc tịch, không xác định được quốc tịch. Tránh việc gộp chung đối tượng này vào nhóm “phạm nhân người nước ngoài”.

Đồng tình với đề xuất này, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, theo dự thảo thì phạm nhân là người nước ngoài là phạm nhân không có quốc tịch Việt Nam; bao gồm phạm nhân có quốc tịch nước ngoài và phạm nhân không có quốc tịch. Cần tách bạch riêng biệt để dễ áp dụng.

Một số ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất cần nghiên cứu quy định thêm điều khoản về các thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể người khi phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và lấy xác…

Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm