Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Italy mở rộng điều tra bê bối chính quyền Rome dính líu đến mafia

Thứ tư, 03/12/2014 - 21:00

Mafia tồn tại ở Rome và chúng hoạt động rất mạnh là kết luận của trưởng công tố thủ đô Italy, Giuseppe Pignatore, người đứng đầu cuộc điều tra lớn chưa từng có về sự dính líu của nhiều quan chức thành phố này với mafia, vốn đang gây rúng động Rome và Italy trong hai ngày qua.

Cựu thị trưởng Rome Gianni Alemanno. (Nguồn: AFP)

Tính cho đến ngày 3/12, số lượng người bị bắt giữ và điều tra trong chuyên án này đã tăng lên nhanh chóng, và cơ quan điều tra tuyên bố sẽ chưa dừng lại. 37 người bị bắt và số người bị điều tra lên tới con số 100, trong đó có cựu thị trưởng Rome Gianni Alemanno và một loạt các quan chức thuộc các sở trực thuộc chính quyền thành phố do ông đứng đầu trong những năm trước. 


Những người này được cho là đã cấu thành một "hệ thống tham nhũng có tổ chức" để phân phối các gói thầu thuộc hàng loạt công trình xây dựng của thành phố và vùng Lazio cho các công ty thân quen do mafia điều hành. 


Ông Alemanno và hơn 30 quan chức thành phố và vùng Lazio, nhiều trong số đó vẫn còn làm việc trong nhiệm kỳ thị trưởng mới, bị điều tra hoặc bị bắt vì tội cấu kết với mafia, tham nhũng, cho vay nặng lãi, làm giả mạo các giấy tờ tài chính, rửa tiền, ăn chặn ngân sách và nhiều tội danh khác. Một số quan chức bị điều tra đã từ chức để tránh ảnh hưởng đến chính quyền thành phố.


Trong số những người bị bắt giữ có Massimo Carminati, từng là một thành viên khủng bố nổi tiếng của nhóm cực hữu NAR và băng đảng tội phạm Magliana, hoạt động trong những năm 1970 và 1980.


Theo Viện công tố Rome, chính Carminati là người đứng đầu một hệ thống mafia quen biết với các quan chức bị điều tra và bị bắt. Carminati đã điều hành các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến những gói thầu mà những quan chức đó đã "để phần" cho chúng. 


Viện công tố Rome khẳng định rằng, nhóm mafia này hoạt động ở thủ đô và là người Rome, không có quan hệ gì với bốn hệ thống mafia truyền thống của miền Nam Italy.


Theo trưởng công tố Pignatore, chúng không có một kết cấu cụ thể như các nhóm mafia miền Nam, nhưng "đang phát triển, có khả năng để tạo thành một hệ thống và hoạt động mạnh mẽ."


Hôm 2/12, tuần báo l'Espresso đã đăng một tấm ảnh, khẳng định sự thân thiết của rất nhiều quan chức và chính trị gia thành phố với những người đứng đầu của hệ thống mafia thủ đô. Đó là một tấm ảnh chụp họ đang cùng ăn tối vào năm 2010 trong quán ăn do một thủ lĩnh thân cận với Carminati làm chủ sở hữu. 


Theo tuần báo này, các lực lượng chính trị trong thành phố và mafia đã tạo lập được một sợi dây liên kết nhằm chia sẻ quyền lợi và doanh thu bằng các dự án xây dựng và một số hoạt động khác trong hệ thống công cộng của Rome và vùng Lazio trong một thời gian rất dài mà không bị ngăn chặn. 


Cơ quan điều tra cho biết, nhóm tội phạm-chính trị gia trên cũng có quan hệ với một số nhóm mafia khác hoạt động trong phạm vi thành phố, trong thời gian từ năm 2008 đến 2013, chính là khoảng thời gian mà ông Alemanno làm thị trưởng Rome.


Đây là bê bối lớn nhất liên quan đến sự dính líu của chính quyền Rome và vùng Lazio với mafia trong nhiều năm qua. Trước đó, Italy đã chấn động bởi việc cảnh sát bắt giữ hàng loạt quan chức thành phố Milan cũng như các chủ thầu xây dựng dự án triển lãm thế giới EXPO 2015, sau khi phát hiện nhiều quan chức đã lợi dụng vị trí của mình để "phân phát" các gói thầu trị giá hàng tỷ euro cho những công ty quen biết nhằm ăn hoa hồng. 


Theo báo cáo mới công bố của tổ chức Transparence International, Italy là nước đứng đầu châu Âu về mức độ tham nhũng./.

(VIETNAM+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm