Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vai trò của xã hội trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Thái Hải

Thứ sáu, 19/05/2023 - 12:16

(Thanh tra) - Trong khuôn khổ thực hiện đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam”, ngày 19/5, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xã hội trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam”.

Toàn cảnh toạ đàm. Ảnh: TH

Biện pháp cơ bản trong đấu tranh chống tham nhũng

Phát biểu dẫn đề, ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, theo pháp luật hiện hành của nước ta, cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước bằng các phương thức như: Sự kiểm tra, giám sát của Đảng; giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước; thanh tra, kiểm tra trong bộ máy hành pháp; giám sát, kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới; kiểm toán của cơ quan kiểm toán Nhà nước; giám đốc thẩm trong hoạt động xét xử của tòa án…

“Tuy nhiên, chỉ có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước bên trong nói trên thì chưa đầy đủ và chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả như mong muốn. Tình trạng lạm dụng quyền lực Nhà nước dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước ngày càng phức tạp. Vì thế, kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền chỉ có thể đạt được khi có một cơ chế và điều kiện đầy đủ, cần thiết cho sự vận hành của nó trên thực tế. Cơ chế đó phải bao gồm cả kiểm soát từ bên trong (các cơ quan Nhà nước) lẫn kiểm soát từ bên ngoài (kiểm soát xã hội)” - ThS Phạm Thị Thu Hiền cho hay.

Kiểm soát xã hội gồm: Kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác, báo chí, người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề…

ThS Phạm Thị Thu Hiền cho biết, trong thời kỳ đổi mới, qua các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, Đảng đã tiếp tục khẳng định và phát triển nguyên tắc đó bằng việc đề cao vai trò giám sát của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước. Đại hội X của Đảng đặt nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, phải “phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của mặt trận, các đoàn thể và của các cơ quan thông tin đại chúng”; “thiết lập cơ chế khuyến khích, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng”.

Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định trong điều kiện mới phải coi trọng và nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của công dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục phát huy qua các kỳ đại hội, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Phát huy dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là điểm khác biệt lớn minh chứng cho việc ngoài “dân biết, dân bàn, dân làm” thì dân còn được trực tiếp “giám sát” và “kiểm tra”.

“Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta coi là một trong những biện pháp cơ bản trong đấu tranh chống tham nhũng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật”.

Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN từ phía xã hội còn mang tính hình thức

Tại tọa đàm, các đại biểu tham gia thảo luận về một số vấn đề như: Xã hội với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước có cần thiết bị hạn chế để phòng chống tha hóa, lạm quyền? Xã hội với tư cách chủ thể kiểm soát, thì đối tượng kiểm soát của xã hội là ai? Nội dung kiểm soát là gì? Phương thức kiểm soát ra sao? Điều kiện bảo đảm hiệu quả cho kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước từ phía xã hội như thế nào?

Theo đó, đối với sự tham gia của xã hội với tư cách là đối tượng bị kiểm soát quyền lực, các đại biểu cho rằng: Xã hội là chủ thể kiểm soát quyền lực đối với khu vực Nhà nước, nhưng ngược lại, chủ thể này cũng là đối tượng chịu sự kiểm soát từ phía các cơ quan Nhà nước.

Các cơ quan Nhà nước hướng sự kiểm soát ra bên ngoài xã hội chủ yếu tập trung vào kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Các đại biểu cũng cho rằng, thực tiễn kiểm soát quyền lực nhằm PCTN từ phía xã hội còn mang tính hình thức. Với ưu thế tự nhiên là ở vị trí độc lập, thậm chí là đối lập với các chủ thể Nhà nước và ít có khả năng xung đột lợi ích trong xây dựng và thực thi chính sách - pháp luật, các chủ thể xã hội như báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân có vai trò hết sức quan trọng trong PCTN nói chung thông qua giám sát, phản biện xã hội, truyền thông, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Mặt khác, Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định về vai trò, trách nhiệm của xã hội và có chỉnh lý, bổ sung nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; trách nhiệm của công dân, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Trong đó, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có vai trò rất quan trọng trong công tác PCTN, bởi doanh nghiệp được nhìn nhận vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của hành vi tham nhũng. Theo các báo cáo chính thức của nhiều cơ quan Nhà nước thì tuyệt đại đa số các vụ án, vụ việc tham nhũng đều được phát hiện ban đầu từ phía xã hội.

Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan Nhà nước vẫn chậm thiết lập cơ chế hữu hiệu - thực chất nhằm bảo đảm, bảo vệ, hỗ trợ hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua giám sát, phản biện, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân và các diễn đàn xã hội.

Nhiều văn bản quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận giải quyết kiến nghị, phản ánh và bảo vệ người tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng; giám sát, phản biện xã hội; biểu tình; hội; tự quản của cộng đồng dân cư, dân chủ ở cơ sở; bí mật Nhà nước, tiếp cận thông tin... chưa được ban hành hoặc hoàn thiện kịp thời để gia tăng các hình thức mà người dân, xã hội có thể gián tiếp hoặc trực tiếp thực hiện quyền kiểm soát đối với các chủ thể thực thi quyền lực Nhà nước.

Mặt khác, phương thức, năng lực và điều kiện kỹ thuật phục vụ hoạt động kiểm soát của các chủ thể xã hội hiện chưa phù hợp, chậm được đổi mới, còn nhiều hạn chế, bất cập.

Ngoài ra, tại tọa đàm, các đại biểu cũng tham gia thảo luận các nội dung như: Xã hội với tư cách là đối tượng bị kiểm soát thì đối tượng cụ thể bị kiểm soát là ai? Chủ thể Nhà nước nào có thẩm quyền kiểm soát hoạt động của xã hội bảo đảm sự tuân thủ Hiến pháp, pháp luật?

Đặc trưng về sự tham gia của xã hội - vừa là chủ thể vừa là đối tượng bị kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong điều kiện thể chế chính trị Việt Nam…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm