Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ năm, 06/04/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Trong những năm vừa qua, công tác phòng chống nhũng (PCTN) đã có những bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Trong đó, các cơ quan có chức năng PCTN như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là những lực lượng xung kích tuyến đầu, là những "thanh bảo kiếm" sắc bén của Đảng và Nhà nước trong PCTN.

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Ảnh minh họa: Thái Hải

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong cơ quan PCTN

Theo thống kê, trong 10 năm, từ 2012 đến 2022, các cơ quan có chức năng PCTN đã phát hiện, khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, thu hồi về cho ngân sách Nhà nước tiền và tài sản giá trị hàng trăm ngàn tỷ đồng

Tuy đã có những đóng góp rất quan trọng vào cuộc đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhưng trong hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN cũng đã xảy ra không ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ, công chức đã bị xử lý hình sự.

Điển hình, từ 2016 - 2021, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lý kỷ luật 50 cán bộ, đảng viên của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp.

Cũng trong thời gian này, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố điều tra 162/186 bị can về tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận và xã hội quan tâm.

Từ năm 2012 đến nay, trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, hàng trăm cán bộ, đảng viên, công chức đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Những hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các cơ quan có chức năng PCTN đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các cơ quan này, đồng thời làm giảm hiệu quả công tác PCTN nói chung.

Tại hội thảo đề tài cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam” do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, tình trạng này do nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN chưa có, hoặc có nhưng chưa đầy đủ, cụ thể, hiệu quả thực thi rất thấp.

Theo ông Sửu, tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực, các cơ quan có chức năng PCTN được pháp luật trao cho rất nhiều quyền để thực thi công vụ. Nhưng nếu quyền lực đó không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực. Kiểm soát quyền lực chặt chẽ là mấu chốt ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan này.

“Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan có chức năng PCTN là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao” - ông Sửu cho hay.

Để kiểm soát quyền lực trong các cơ quan có chức năng PCTN, theo ông Sửu, trước hết cần chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường PCTN, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTN (kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án).

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan có chức năng PCTN; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.

Công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của những cơ quan này trong văn bản pháp luật, phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Đi đôi với xây dựng pháp luật, cần kiểm soát chặt chẽ việc thi hành pháp luật.

Mặt khác, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí đấu tranh, có kiến thức kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng PCTN đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên với cấp dưới, tập trung thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và công tác PCTN, tiêu cực.

Hoàn thiện nội quy, quy chế, quy định nội bộ để PCTN, tiêu cực trong từng ngành, từng cơ quan có chức năng PCTN.

Phát huy vai trò của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí truyền thông và các tầng lớp nhân dân trong kiểm soát quyền lực của các cơ quan có chức năng PCTN.

Ngoài ra, cơ quan báo chí truyền thông, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và người dân tích cực giám sát, phản ánh những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan có chức năng PCTN.

“Kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTN là một yêu cầu đặc biệt quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, cần phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Làm tốt việc kiểm soát quyền lực, PCTN trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án sẽ làm trong sạch bộ máy của các cơ quan này, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh PCTN hiện nay”, ông Sửu nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm