Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ sáu, 28/04/2023 - 11:20

(Thanh tra) - Đây là chủ đề của buổi tọa đàm khoa học được Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CLKHTT) tổ chức ngày 27/4.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TH

Đây là tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam” do TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CLKHTT làm Chủ nhiệm.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức hội thảo lớn, 10 tọa đàm khoa học, 6 tọa đàm khảo sát… với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm thực tiễn… nghiên cứu, chia sẻ, trao đổi về những vấn đề có liên quan nhằm thực  hiện và hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài.

Buổi tọa đàm hôm nay nhằm làm rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay, cũng như nội dung nghiên cứu của đề tài.

Đồng thời, mong muốn các đại biểu cần phân tích, lý giải vấn đề Đảng với tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị, thì quyền lực của Đảng có cần thiết bị hạn chế để phòng chống tha hóa, lạm quyền? Đảng với tư cách chủ thể kiểm soát, thì đối tượng kiểm soát của Đảng là ai? Nội dung kiểm soát là gì? Phương thức kiểm sỏa ra sao?

Đồng thời, Đảng với tư cách là đối tượng bị kiểm soát thì đối tượng cụ thể bị kiểm soát là ai? những đơn vị thành tố nào của Đảng có thể là đối tượng bị kiểm soát? Chủ thể xã hội nào có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm soát việc Đảng thực thi quyền lực? Chủ thể Nhà nước nào có thẩm quyền kiểm soát tổ chức và hoạt động của Đảng bảo đảm sự tuân thủ Hiến pháp, pháp luật theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Hiến pháp năm 2013? Tại sao Hiến pháp, pháp luật không quy định thẩm quyền của các chủ thể Nhà nước trong kiểm soát quyền lực của Đảng?...

Tại buổi tọa đàm ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CLKHTT nhận định: Trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước và xã hội là 3 trụ cột chính, với việc hình thành 3 cơ chế kiểm soát tương ứng - quyết định sự thành bại của sự nghiệp vĩ đại này. Đồng thời, dẫn đề cũng đề cập đến tổng quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; những vấn đề đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành thông qua hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng và của cơ quan kiểm tra, nội chính, cơ quan tham mưu của cấp ủy Đảng các cấp...

Cơ sở của kiểm soát là Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn bản nghị quyết, quy định, quy chế, chỉ thị, quyết định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của các cấp ủy Đảng và của cơ quan kiểm tra, nội chính của cấp ủy Đảng các cấp thông qua các cơ chế như nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, chế độ sinh hoạt đảng, công tác kiểm tra giám sát đối với đảng viên và các tổ chức đảng…

Kiểm soát của Đảng có ý nghĩa phòng ngừa, phát hiện và xử lý kỷ luật Đảng đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; bảo đảm sự tuân thủ nghiêm túc của các tổ chức Đảng và đảng viên đối với điều lệ, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Trong thời gian qua, kiểm soát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng đang tỏ rõ hiệu lực, hiệu quả và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều quy định của Đảng liên quan đến kiểm soát quyền lực được ban hành, sửa đổi, bổ sung, tỏ rõ quyết tâm của Đảng trong việc chấn chính kỷ luật, kỷ cương của Đảng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, ThS Hiền nhấn mạnh.

Theo GS. TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong bối cảnh Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” được ban hành, đây là căn cứ quan trọng để nghiên cứu đề tài.

Đối với cách tiếp cận, GS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng, đề tài đã giải quyết được các vấn đề cần nghiên cứu, đã làm rõ đối tượng, nội dung, phương thức kiểm soát hoàn toàn đúng hướng...

Đề tài cần có phương thức tiếp cận mới theo cơ chế của tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương; cần làm rõ vai trò, nội dung của thể chế kiểm soát quyền lực; đánh giá thực trạng thể chế hiện nay, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; cơ chế đó vận hành trong Đảng như thế nào, chúng ta cũng cần được làm rõ. Đồng thời, một số vấn đề liên quan đến kiểm soát bên trong Đảng và kiểm soát bên ngoài Đảng cũng phải đề cập một cách cụ thể hơn…

Còn theo GS.TS. Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề tài cần nêu rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội khác trong vấn đề kiểm soát quyền lực.

Bên cạnh những vấn đề lý luận đã nêu, đề tài cần nghiên cứu các vấn đề thực tiễn đặt ra trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của thông tin, báo chí đối với thực tiễn kiểm soát quyền lực, đây là công cụ kiểm soát rất hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng…

Chia sẻ ý kiến của GS. TS Võ Khánh Vinh nêu trên về cơ chế kiểm soát quyền lực, PGS. TS Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương, đặt vấn đề rằng muốn kiểm soát quyền lực phải hoàn thiện thể chế, vậy cần làm rõ thể chế cần hoàn thiện là thể chế nào và liệu rằng tổ chức Đảng có thể sử dụng bộ công cụ pháp lý của Nhà nước hay không?…

Toạ đàm nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ… chia sẻ các phương thức kiểm soát của Đảng đối với Nhà nước; chia sẻ về quy định thẩm quyền, vai trò của cơ quan này đối với các vấn đề liên quan đến kiểm soát quyền lực; vấn đề kiểm soát quyền lực của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từ phía người dân và hiệu quả của kiểm soát của nhóm này mang lại đối với công tác phòng, chống tham nhũng…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm