Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Minh bạch thông tin các giai đoạn trong đầu tư xây dựng để phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ sáu, 05/05/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Trong những năm qua, hiện tượng thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng diễn ra phức tạp. Nguyên nhân là do thiếu hiểu biết pháp luật về xây dựng hoặc cố ý không tuân thủ các quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng. Do đó, cần sớm khắc phục, phòng ngừa nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong lĩnh vực xây dựng.

Hiện tượng thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xác định sai chủ trương đầu tư gây lãng phí

Tham luận tại hội thảo đề tài khoa học cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam” do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức, TS Đỗ Đức Thắng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thực trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng diễn ra ở dưới nhiều hình thức như: Trong công tác quy hoạch xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý chất lượng công trình xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng...

Công tác quy hoạch là một trong những khâu quan trọng, định hướng cho phát triển và kêu gọi đầu tư, bảo đảm đầu tư có hiệu quả và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đồ án quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội tại một số tỉnh, thành phố còn thiếu đồng bộ, triển khai chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Tình trạng không ăn khớp giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết. Đặc biệt, một số quy hoạch chi tiết xây dựng triển khai trước khi có quy hoạch tổng thể hoặc không căn cứ vào quy hoạch tổng thể, việc điều chỉnh cục bộ quy mô, chỉ tiêu do yếu tố chủ quan của con người dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, lãng phí tài chính và kéo dài thời gian thực hiện.

Công tác quản lý đầu tư và thực hiện theo quy hoạch xây dựng còn tồn tại hạn chế, còn xảy ra tình trạng một số dự án không tuân theo quy hoạch xây dựng vì lợi ích cục bộ như: Chuyển đổi đất từ quy hoạch là đất dành cho công trình công cộng thành đất để xây dựng công trình dịch vụ; điều chỉnh nâng tầng cao, tăng hệ số sử dụng đất làm ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng lâu dài không chỉ đối với dự án mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cả khu vực.

Mặt khác, dự án xác định sai chủ trương đầu tư, dẫn đến đầu tư không có hiệu quả, hoặc hiệu quả đầu tư kém; công tác khảo sát, thiết kế trong một số trường hợp không đảm bảo chất lượng, chưa sát với thực tế hoặc không đúng với những tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh thiết kế, làm thay đổi dự toán, chậm tiến độ thi công gây lãng phí tài chính và ngân sách nhà nước.

Công tác lựa chọn nhà thầu đôi lúc chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định; còn có hiện tượng thông đồng giữa các nhà thầu khi tham gia đấu thầu làm giảm tính công khai, minh bạch trong đấu thầu; hiện tượng tính khối lượng chưa đúng thực tế thi công, thi công chưa đúng với thiết kế được phê duyệt dẫn đến phải phá đi làm lại vẫn diễn ra; còn có hiện tượng bớt xén vật tư trong quá trình thi công dẫn đến chất lượng công trình chưa đảm bảo...

Theo TS Đỗ Đức Thắng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng tại một số địa phương, cấp chính quyền đôi khi chưa được chú trọng cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng...

Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng

Đề xuất một số giải pháp PCTN trong lĩnh vực xây dựng, theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, trước hết cần tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng tại các cấp chính quyền địa phương, kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong bộ máy quản lý các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hướng tới sự công khai, minh bạch trong các hoạt động đầu tư xây dựng, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Mặt khác cần đổi mới nội dung, xác định rõ trọng tâm trong công tác thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng cho từng cuộc thanh tra theo hướng tập trung vào những vấn đề then chốt, rủi ro cao, dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Đồng thời, mở rộng phạm vi thanh tra đối với các loại hình dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, dự án đầu tư tầng đô thị...

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa thanh tra với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do thanh tra phát hiện, kiến nghị xử lý.

Tập trung rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi; phù hợp thông lệ quốc tế; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước, có lộ trình thực hiện và lồng ghép PCTN với Chiến lược Quốc gia về PCTN để có tác động mạnh mẽ hơn.

Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.

Đặc biệt là minh bạch thông tin trong các công đoạn của đầu tư xây dựng, trong đó nhấn mạnh giai đoạn đấu thầu, xây dựng các tiêu chí cần công khai hóa trong lĩnh vực mua sắm thiết bị đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn Nhà nước; công khai các số liệu, tài liệu về quy hoạch xây dựng; tạo cơ chế để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội được tham gia giám sát và cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chuyên ngành xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN, xử phạt vi phạm hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm